Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ cơ sở giết mổ tập trung

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 4 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai và Chư Sê. Hiện tại, các cơ sở giết mổ này đã xuống cấp gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Năm 2012, gia đình ông Phạm Khắc Vĩnh (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đầu tư khoảng 700 triệu đồng xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung. Cơ sở được xây dựng trên quỹ đất rộng khoảng 300 m2 bao gồm chuồng nuôi nhốt, khu vực giết mổ, khu vực khử trùng và một số hạng mục kèm theo như nguồn nước sạch, hầm chứa biogas để xử lý chất thải.

ô nhiễm môi trường từ cơ sở giết mổ

Khu vực lò giết mổ tập trung của gia đình ông Vĩnh còn ứ đọng nước thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Nam

Theo quan sát của chúng tôi, ở quanh khu vực lò mổ của ông Vĩnh, lượng chất thải còn ứ đọng có gây mùi hôi ảnh hưởng đến một số hộ dân xung quanh. Ngoài ra, heo thường được đưa đến nhốt 1 – 3 ngày trước khi giết mổ nên cũng phần nào làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Ông Vĩnh cho hay: “Mỗi ngày, lò giết mổ khoảng 20 – 30 con heo. Mỗi con heo đưa vào lò mổ đóng phí 40.000 đồng. Còn gia đình phải cung cấp đầy đủ nước, chất đốt, điện và vệ sinh khu vực lò mổ. Cách đây khoảng 1 tháng, máy bơm để hút chất thải bị hỏng. Gia đình sẽ cố gắng khắc phục tình trạng trên để hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Ông Thái Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: Lò mổ của ông Vĩnh xây dựng gần với khu dân cư. Nhiều thời điểm, gia đình chưa xử lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường. Đặc biệt là vào mùa mưa, chất thải ứ đọng trong vườn gây ô nhiễm môi trường.

“Ủy ban nhân dân huyện đang điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và xác định vị trí xây dựng lò giết mổ tập trung cách xa khu dân cư. Địa phương đang vận động ông Vĩnh chuyển đến vị trí đã quy hoạch hoặc kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng lò mổ tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trước mắt, Phòng phối hợp với UBND thị trấn Ia Kha thường xuyên kiểm tra và yêu cầu gia đình ông Vĩnh khẩn trương khắc phục. Đồng thời, yêu cầu gia đình ông Vĩnh hoàn thiện hồ sơ đăng ký môi trường gửi về UBND thị trấn theo đúng quy định”-ông Tuấn thông tin.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa đang quản lý 1 cơ sở giết mổ tập trung. Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm – cho hay: Lò mổ tập trung do Trung tâm quản lý rộng 4.000 m2. Bình quân 1 ngày mổ 15 – 17 con heo và 3 – 4 con bò. Do lò mổ được xây dựng từ lâu, hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp nên xảy ra tình trạng ứ đọng chất thải gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, lò mổ gần với khu vực nghĩa địa và khu dân cư nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. “Hiện nay, người dân tự mổ ở ngoài nhiều nên số lượng vật nuôi được đưa đến lò mổ ít, dẫn đến việc thu không đủ bù chi. Do đó, việc sửa chữa, nâng cấp lò mổ chưa được quan tâm đúng mức.

Huyện có chủ trương xã hội hóa để đầu tư lò mổ tập trung tại khu vực vườn ươm do Trung tâm quản lý nhưng chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào vào đầu tư” – ông Trung nói.

ô nhiễm môi trường từ cơ sở giết mổ

Nhân viên thú y huyện Krông Pa phun khử khuẩn khu vực lò giết mổ tập trung của huyện. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Thời gian qua, hoạt động kiểm soát giết mổ gần như chưa được thực hiện đảm bảo quy định và không triệt để dẫn đến nhiều hệ lụy như: mất an toàn thực phẩm do không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, chưa được kiểm soát giết mổ, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm; không kiểm soát được vấn đề về dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật cũng như bệnh truyền nhiễm lây giữa động vật và người; các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được đầu tư bài bản về hệ thống xử lý nước thải, rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 28-7-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-UBND về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung đến năm 2030. Theo đó, có 26 vị trí xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại 16/17 huyện, thị xã, thành phố. Đến ngày 20-12-2024, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 3032/KH-UBND triển khai Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.

“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh tăng cường kêu gọi, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiên quyết xử lý những hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, không đảm bảo điều kiện theo quy định, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường”-ông Dũng thông tin.

Lê Nam

Nguồn: Báo Gia Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *