(Người Chăn Nuôi) – Cả nước hiện có hơn 22.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tại các cơ sở này, việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm chưa cao, khó kiểm soát do các cơ sở thiếu đăng ký kinh doanh, không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.
Thành phố Hà Nội hiện có 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công. Tính đến cuối năm 2023, các cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, còn lại đang bị thả lỏng. Nguyên nhân bởi các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ này nằm xen kẽ trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Giết mổ gia cầm tại chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ảnh: ST
Theo kết quả thống kê của Bộ NN&PTNT, 20% gà ở chợ gia cầm sống và lò mổ ở miền Bắc dương tính với virus cúm gia cầm A/H9N2, chủng này có độc lực thấp, tuy nhiên có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các hộ chăn nuôi gà do chi phí thuốc điều trị cao, tăng tỷ lệ hao hụt, và giảm tăng trọng. Bên cạnh đó, chủng A/H9N2 cũng có thể gây bệnh cho người và biến đổi trở thành một nhánh mới có nguy cơ gây ra đại dịch. Từ sau khi ca cúm A/H9N2 trên người đầu tiên được ghi nhận vào cuối thập niên 1990, đến nay vẫn phát hiện virus rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác. Đáng chú ý, mới đây, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 là một nam bệnh nhân ngụ tỉnh Tiền Giang. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị, chưa rõ nguồn lây bệnh.
Ngoài ra, 50% cơ sở giết mổ và chợ gia cầm dương tính với Salmonella, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. 30% chợ gia cầm và cơ sở giết mổ dương tính với Campylobacter, một loại vi khuẩn khác gây ngộ độc thực phẩm.
Nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030. Đề án hướng đến phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Đề án cũng nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định; hỗ trợ phát triển và kết nối bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, công nghệ tiên tiến gắn với chế biến, thương mại sản phẩm; xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ trung ương tới địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến…
Minh Khuê