Nhận thấy tiềm năng từ trồng cỏ nuôi trâu, bò vỗ béo phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, chị Giàng Thị Bào, thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo (Ba Bể, Bắc Kạn) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình và vươn lên trở thành gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.
Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Bào thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của cái nghèo. Vì vậy, chị luôn cố gắng học hỏi và khát vọng vươn lên thoát nghèo. Năm 2003, chị xây dựng gia đình nhưng thuộc diện hộ nghèo, không có đất ruộng để cày cấy, cuộc sống hằng ngày dựa vào ít đất trồng ngô soi bãi và chăn nuôi nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh nên gặp nhiều rủi ro. Để có kiến thức, khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chị Bào tích cực tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Từ đó, tạo động lực giúp chị mạnh dạn bàn bạc với chồng lập kế hoạch sản xuất và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Bào được đầu tư kiên cố.
Với số vốn vay 30 triệu đồng, gia đình chị mua lợn nái sinh sản, chăn nuôi gà thả vườn kết hợp với mô hình trồng cây ăn quả. Sau 5 năm, mô hình cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Khi có nguồn vốn tích lũy, gia đình chị mua xe tải, kinh doanh vật liệu xây dựng. Năm 2009 chị mở thêm quán bán hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho bà con trong thôn và vùng lân cận. Đồng thời đầu tư mua thêm 01 máy xúc để phục vụ những công trình san ủi đất ruộng bậc thang và các công trình xây dựng quy mô nhỏ trên địa bàn.
Năm 2018, gia đình chị Bào tiếp tục mở rộng quy mô, chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, mở rộng trang trại với diện tích 1.000 m2, mua máy nghiền cỏ, xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi 46 con trâu, bò/lượt; tận dụng đất bãi soi của gia đình và thuê thêm đất trồng cỏ, chuối cung cấp thức ăn cho trâu, bò.
Chị Bào chia sẻ: "Để phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo hiệu quả, vợ chồng tôi luôn tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật về chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh và lựa chọn thức ăn phù hợp theo mùa để đảm bảo dinh dưỡng, rút ngắn thời gian vỗ béo; dự trữ nguồn thức ăn vào mùa đông; chuồng trại phải khô thoáng về mùa hè, mùa đông dùng bạt vây kín để giữ ấm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng".
Kinh tế ổn định, chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc; trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện giúp đỡ chị em trong thôn phát triển kinh tế; tham gia tích cực các phòng trào, cuộc vận động do địa phương phát động, tổ chức. Nhiều năm liền gia đình chị luôn đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tặng giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, hoạt động công tác Hội. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện, Tổ TK&VV quản lý nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 1,6 tỷ đồng cho 42 lượt chị vay. Chi hội Phụ nữ thôn Nà Tạ hiện có 76 hội viên, trong đó 2/3 hộ hội viên xây dựng mô hình chăn nuôi vỗ béo từ 2 con trở lên. Đến nay Chi hội chỉ còn 01 hộ hội viên nghèo.
Chị Hà Thị Việt- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Giáo nhận xét: Chị Bào không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn vận động hội viên trong Chi hội tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, giúp đỡ hội viên khó khăn về vốn, kinh nghệm để cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đồng thời, chị luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức, ủng hộ các phong trào quyên góp từ thiện… Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình chị Bào đã được nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã học tập và mang lại hiệu quả kinh tế.
Với ý chí vươn lên thoát nghèo, dám nghĩ, dám làm, chị Bào đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đại gia súc và là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ năng động, nhiệt tình. Sự nỗ lực của chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của phụ nữ nông thôn vùng dân tộc thiểu số, xứng đáng là gương sáng để chị em trên địa bàn học tập và noi theo./.