(Người Chăn Nuôi) – Nhiều người nuôi gia cầm tại Malaysia buộc phải rút chân khỏi thị trường, do lệnh cấm xuất khẩu cùng nhiều rào cản khác mà Chính phủ nước này đang áp dụng.
Malaysia, quốc gia đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm liên tục, cùng với giá cả tăng cao, đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng, đặc biệt là xuất khẩu thịt gia cầm sang thị trường Singapore vào tháng 6/2022.
Theo thống kê của Hiệp hội người chăn nuôi Malaysia, xuất khẩu gia cầm sống sang Singapore đã tăng từ 40,19 triệu con vào năm 2007 lên 59,08 triệu con vào năm 2020. Đáp lại lệnh cấm, Singapore đã nhanh chóng kiểm tra và cấp phép cho thịt gà đông lạnh của Indonesia được xuất khẩu vào Singapore. Động thái này là tín hiệu cho thấy thị trường xuất khẩu của các hãng gia cầm Malaysia đã bị thu hẹp lại.
Nguồn cung giảm do sản lượng đầu ra thấp hơn khi giá bán tiếp tục áp trần khiến hoạt động sản xuất của người nuôi gia cầm tại Malaysia gần như không có lãi. Thêm vào đó, chi phí lao động và thức ăn chăn nuôi ngày càng gia tăng, đã làm giảm đáng kể lợi nhuận, khiến nhiều người chăn nuôi nghĩ rằng đóng cửa là giải pháp duy nhất.
TS. Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo thị trường ở Malaysia cho biết, dừng chăn nuôi gia cầm lúc này có thể là một giải pháp tình thế vì người nuôi không có lãi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ luôn phải chịu nhiều thiệt hại hơn. Nhưng chính điều này lại khiến toàn ngành chăn nuôi gia cầm ở Malaysia ngày càng ảm đạm hơn. Các động thái can thiệp của chính quyền cũ ở Malaysia vào ngành này đã đi ngược với các quy luật kinh tế.
Để kiềm chế lạm phát và đảm bảo nguồn cung, Chính phủ Malaysia đã áp dụng 3 biện pháp gồm giá trần, loại bỏ giấy phép đã được phê duyệt (AP) đối với nhập khẩu thịt gà và cuối cùng là cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, theo TS. Ferlito, biện pháp mà ông thấy có lợi duy nhất trong cuộc chiến bình ổn giá cả và đảm bảo an ninh lương thực là loại bỏ các AP bởi giá trần không thể giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực. Việc cố gắng định giá ở mức thấp hơn sẽ chỉ gây áp lực đối với nhu cầu hiện tại, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tồi tệ hơn.
Trên thực tế, chuỗi cung ứng bị gián đoạn là do các đợt phong tỏa COVID-19. Từ đó, giá cả hàng hóa tăng vọt, trong khi áp lực lạm phát chung vẫn gia tăng do Chính phủ bơm quá nhiều tiền mặt giúp dân vượt bão lạm phát, TS. Ferlito nhận định. Ferlito cho rằng, điều cần làm lúc này là thả nổi giá ở mức cao trong một thời gian nhất định để ngành gia cầm thu được lợi nhuận, bù lại những gì đã mất trong thời gian đóng cửa vì COVID-19.
Trong một diễn biến khác, Malaysia sẽ nhập khẩu nhiều thịt gà đông lạnh hơn và bán lẻ ra thị trường ở mức giá thấp hơn. Theo ông Noh Omar, Bộ trưởng Bộ Nội thương Malaysia, đây là một cách khác để bình ổn nguồn cung và giá cả thực phẩm trong nước.
Bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường nội địa là một hành động ý nghĩa của Chính phủ, nhưng các chuyên gia trong ngành cũng khuyến cáo cần thận trọng xét đến mức độ quan trọng của các thị trường xuất khẩu như Singapore. Kéo dài lệnh cấm xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt tồi tệ hơn vì cơ hội lợi nhuận cho người chăn nuôi trong nước đã bị chặn đứng, TS. Ferlito cho biết. Ông nói thêm, nguồn cung thịt gà trong nước cũng không đầy lên trong khi lượng hàng cho xuất khẩu lại ít đi bởi nhiều người chăn nuôi đã tính đến khả năng rút chân khỏi thị trường.
Đan Linh
(Theo Worldpoultry)