Đã một thời gian khá dài, nhiều trang trại, gia trại nuôi gà lấy trứng ở Hải Dương luôn trong tình trạng hoạt động bấp bênh, kém hiệu quả và phải bù lỗ.
Thu không đủ bù chi
Cẩm Giàng hiện có khoảng 30 trang trại nuôi gà lấy trứng thương phẩm, nhiều nhất tỉnh. Gần như suốt từ đầu năm đến nay, chủ các trang trại này luôn trong tình trạng buồn phiền, lo lắng vì hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá trứng trên thị trường thiếu ổn định, phần lớn thời gian ở mức “thu chẳng đủ bù chi”.
6 tháng đầu năm nay, gia đình ông Đào Hữu Thuân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ thương mại xã Cẩm Đông nuôi 70.000 con gà đẻ trứng giống Ấn Độ. Hằng ngày, đàn gà đều đặn nhả trứng với tỷ lệ lên tới 90%. Tuy nhiên, ông chẳng thấy vui vì điều này.
Số lượng trứng gà thu hoạch hằng ngày tốt nhưng ông Đào Hữu Thuân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ thương mại xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) không vui
“Giá trứng gà thương phẩm Ấn Độ trên thị trường 6 tháng đầu năm nay có nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức thấp, bình quân chỉ 1.600 đồng/quả. Trong khi đó, tổng chi phí để làm ra một quả trứng ít nhất phải từ 1.700 đồng. Tức là mỗi quả trứng tôi bị lỗ 100 đồng. Nửa đầu năm nay, tôi mất 1,2 tỷ đồng”, ông Thuân phân tích.
Từ tháng 7 đến giữa tháng 9, trứng gà Ấn Độ bỗng được giá, tăng lên 2.400-2.500 đồng/quả, ông Thuân được lãi. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, giá trứng lại quay đầu lao dốc, hiện còn khoảng 1.650 -1.700 đồng/quả loại đẹp. Ông Thuân buộc phải giải phóng một lượng lớn số gà đẻ trứng để giải toả áp lực và chờ đợi đến ngày trứng được giá trở lại.
Trang trại nuôi gà lấy trứng thương phẩm của anh Bùi Hữu Việt ở xã Định Sơn
Cùng huyện Cẩm Giàng, trang trại nuôi khoảng 50.000 con gà lấy trứng thương phẩm của anh Bùi Hữu Việt ở xã Định Sơn cũng gặp phải tình cảnh trên. Anh Việt cho biết thực tế việc phải bù lỗ đã diễn ra từ năm ngoái. “Năm 2023, tôi phải bù lỗ 2 tỷ đồng do giá trứng xuống thấp. Tình cảnh năm nay cũng không khá khẩm gì. Thêm nữa bão số 3 vừa qua, trang trại còn bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng do chuồng trại bị hư hại, hơn 10 tấn cám bị hỏng vì ngấm nước”, anh Việt buồn bã kể.
Chủ một trang trại nuôi hàng chục nghìn con gà lấy trứng thương phẩm ở thị xã Kinh Môn (xin giấu tên) cho biết chưa bao giờ chịu cảnh thua lỗ nặng như trong 2 năm 2023-2024. Trong khoảng thời gian này, có một số tháng giá trứng cao, việc sản xuất có lãi nhưng về cơ bản đều phải bù lỗ. Nếu tính chi phí đầu tư, mỗi quả trứng phải bán được từ 1.700 đồng mới hoà vốn. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm trứng trang trại này bán ra thị trường chỉ được 1.500 – 1.600 đồng/quả.
Theo một số chủ trang trại, mấy năm trước, nuôi gà lấy trứng thương phẩm giúp nhiều trang trại lớn ”hái” ra tiền do giá bán trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định. Bình quân chủ nuôi lãi từ 100 – 200 đồng/quả. Trứng gà giống Ấn Độ khi đó rất được giá nên hầu hết các trang trại chuyển sang nuôi loại này. Không ít trang trại nuôi lợn, gà thịt cũng chuyển đổi sang nuôi gà lấy trứng.
Việc chăn nuôi ồ ạt đã khiến giá trứng gà thương phẩm trên thị trường bị sụt giảm và vẫn chưa biết đến khi nào tăng giá ổn định trở lại
Người chăn nuôi đầu tư theo kiểu ồ ạt, trong khi trứng gà tại thị trường Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung chỉ tiêu thụ được trong nước dẫn tới cung vượt quá cầu, giá bán sụt giảm, bấp bênh và phải bù lỗ kéo dài.
Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng càng khiến việc chăn nuôi gà lấy trứng của các trang trại chồng chất khó khăn.
Chờ xoay chuyển tình thế
Ông Đào Hữu Thuân nhận định việc nhiều cơ sở bán hết hoặc giảm bớt số lượng gà đẻ trứng nên trứng thương phẩm có cơ hội tăng giá trong thời gian tới, nhất là Tết đang đến gần, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Ông Thuân hiện chỉ để lại 25.000 con gà đẻ trứng giống Ấn Độ để chờ đến ngày xoay chuyển tình thế.
“Tôi đã nuôi khoảng 12.000 con gà lấy trứng giống ISA Brown xuất xứ từ Hà Lan. Giống gà này có tỷ lệ đẻ trứng cao hơn. Với giá bán trên thị trường hiện nay thì tôi vẫn có lãi 100 đồng/quả. Ngoài ra, tôi còn nuôi 10.000 con gà Lương Phượng lấy trứng ấp nở, mỗi ngày lãi từ 3 – 4 triệu đồng. Khoản thu nhập này giúp tôi có thể bù đắp được chi phí bị thâm hụt cho việc giữ đàn gà Ấn Độ”, ông Thuân cho hay.
Một số hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ do cạn vốn hoặc không dám mạo hiểm đã bán hết hoặc bán một phần số gà đẻ. Họ sẽ chờ tái đàn khi giá trứng lên cao hoặc tìm hướng sản xuất khác.
Một số chuyên gia khuyến cáo người chăn nuôi cần nghiên cứu kỹ thị trường và các yếu tố tác động từ bên ngoài như tình hình thế giới, khu vực để xem xét việc có tái đàn gà lấy trứng thương phẩm hoặc chuyển hướng sản xuất mới hay không. Trong khả năng có thể, cần duy trì một số lượng gà đẻ trứng và gà hậu bị để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là dịp cuối năm.
Nhiều chủ hộ nuôi gà đẻ trứng đề nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp ổn định thị trường, nhất là ngăn chặn hiệu quả tình trạng trứng giá rẻ, nhập lậu tràn về thị trường trong nước dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Một số chủ trang trại bị thiệt hại do bão số 3 mong muốn sẽ được ngân hàng khoanh nợ gốc và lãi trong một thời gian, đồng thời giải ngân thêm nguồn vốn vay ưu đãi để họ có điều kiện khôi phục sản xuất.
BM
Nguồn: Báo Hải Dương