Người dân cần chủ động tiêm phòng cho vật nuôi

Hiện ngành Thú y và các địa phương tại Phú Yên đang tập trung tiêm phòng vắc xin đợt I năm 2022 theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2022 của UBND tỉnh. Để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, ngoài sự tích cực của ngành chức năng thì người chăn nuôi cũng phải chủ động phối hợp.

Ông Nguyễn Văn Lâm Chi cục trưởng Chi cục Chăn Nuôi và Thú y Phú YênTrao đổi với phóng viên xung quanh công tác tiêm phòng lần này, ông Nguyễn Văn Lâm (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết:

Từ ngày 1/3, ngành Thú y phối hợp với tất cả địa phương đồng loạt ra quân tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt I năm 2022 cho toàn bộ đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Vật nuôi được tiêm các loại vắc xin phòng ngừa một số loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, dịch tả, cúm gia cầm, niu cát xơn, dịch tả vịt… (tùy từng loại vật nuôi). Theo kế hoạch UBND tỉnh đề ra, các loại dịch bệnh nguy hiểm, thuộc diện bắt buộc tiêm phòng theo quy định thì tỉ lệ tiêm phải đạt tối thiểu 80% tổng đàn trong diện tiêm, riêng vắc xin phòng ngừa bệnh dại ở chó, mèo nuôi phấn đấu đạt tỉ lệ 70%. Thời gian tiêm phòng đợt chính bắt đầu từ ngày 1/3 – 15/4, sau đó sẽ tiếp tục tiêm bổ sung.

Để hoàn thành được mục tiêu này, các ngành chức năng đã chuẩn bị như thế nào?

Để chuẩn bị cho đợt tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng các kế hoạch chi tiết phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị đầy đủ số lượng vắc xin; chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi, đăng ký, nhận vắc xin theo tiến độ tiêm phòng. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho cán bộ thú y và cán bộ tổ tiêm phòng (những người sẽ trực tiếp thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi), đảm bảo lực lượng này nắm bắt tốt các kỹ thuật tiêm phòng, đạt hiệu quả, biết sử dụng, bảo quản vắc xin và biết xử lý các trường hợp bị phản ứng trong quá trình tiêm phòng.

 

Công tác tiêm phòng lần này có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2022 của UBND tỉnh, nguồn ngân sách Nhà nước (tỉnh và các huyện, thị, thành phố) sẽ hỗ trợ kinh phí mua vắc xin LMLM cấp miễn phí tiêm phòng cho đàn trâu, bò của người chăn nuôi quy mô nông hộ có tổng đàn dưới 20 con của toàn tỉnh và vắc xin cúm gia cầm đối với những hộ có tổng đàn dưới 2.000 con thuộc vùng nguy cơ cao ở huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa. Đây là thuận lợi vì khi được hỗ trợ miễn phí người chăn nuôi sẽ rất tích cực tham gia, gia súc tiêm phòng vắc xin LMLM có thể sẽ đạt tỉ lệ cao. Trong khi đó, các loại vắc xin khác như tụ huyết trùng, tai xanh, dịch tả… sẽ không được hỗ trợ, người dân phải tự mua để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đây là khó khăn lớn vì hiện nay, nhiều người vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lâu nay vẫn được hỗ trợ tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng miễn phí.

Ngoài ra, hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường khiến sức khỏe vật nuôi giảm sút, cũng làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ tiêm phòng vắc xin của các địa phương.

tiêm phòng cho vật nuôi

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho đàn bò ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa). Ảnh: Nguyễn Chương

 

Theo ông, người chăn nuôi có vai trò và trách nhiệm thế nào trong việc này?

Người chăn nuôi luôn là đối tượng chịu tác động trực tiếp và gánh thiệt hại lớn nhất trong trường hợp xảy ra dịch bệnh nên bà con cần phải nâng cao ý thức và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho vật nuôi, hạn chế dịch bệnh. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa dịch bệnh hiện nay là tiêm phòng. Do đó, người chăn nuôi cần tích cực phối hợp với ngành chức năng thực hiện tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa những loại bệnh nguy hiểm.

Để đàn gia súc, gia cầm đạt được tính bảo hộ với dịch bệnh thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% trở lên. Vậy nên người chăn nuôi ngoài việc bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình thì còn phải có trách nhiệm phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng vật nuôi tại khu vực tham gia chăn nuôi sản xuất, chung tay phủ vắc xin ngừa dịch cho vật nuôi để nâng tính bảo hộ dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xin cảm ơn ông!

Người chăn nuôi luôn là đối tượng chịu tác động trực tiếp và gánh thiệt hại lớn nhất trong trường hợp xảy ra dịch bệnh nên bà con cần phải nâng cao ý thức và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho vật nuôi, hạn chế dịch bệnh.

Thủy Tiên (thực hiện)

Nguồn: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *