(Người Chăn Nuôi) – Ngỗng là loài nuôi khá phổ biến, rất nhanh lớn và dễ nuôi vì chúng ăn nhiều, thịt ngon, thơm và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nuôi tại nhà rất nhiều.
Đặc điểm
Tập tính thức ăn của ngỗng khá đơn giản và dễ kiếm, tạo thức ăn cho chúng, vì hầu hết các điều kiện tự nhiên tại các vùng quê đề sẵn có, và nuôi ngỗng phù hợp hơn với việc chăn thả tại cánh đồng làng quê tại Việt Nam.
Ngỗng có tầm vóc to, trông dữ tợn, có lông màu xám, đầu to mỏ đen thẫm, mào màu đen. Mắt nhỏ và có màu nâu xám. Phần trên cổ có yếm da, thân mình dài vừa phải, ngực dài nhưng hẹp, xương to nhưng thịt màu hơi trắng. Đồng thời có sức đề kháng tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh, thích nghi tốt. Nhiều nhà hàng quán ăn mở với các món ăn chuyên về ngỗng đặc sản được nhiều người yêu thích.
Ngỗng sư tử rất nhanh lớn và dễ nuôi – Ảnh: ST
Chọn giống
Chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mắt sáng, chân bước đi vững vàng và đạt khối lượng cơ thể từ 85 – 100 gam/con.
Khi ngỗng mới nở, chọn những con có bộ lông mịn, sáng; lỗ hậu môn gọn, khô; mắt sáng; đi lại nhanh nhẹn; ăn uống bình thường. Với ngỗng cái, chọn con có mắt to, đen, sáng, cổ nhỏ, dài, ngực gọn mình dài; bụng dưới nở nang, phao câu to. Những con loại này đẻ tốt, mắn đẻ, ấp khéo; đối với ngỗng đực, chọn những con có cổ ngẩng cao, ngực nở, hai chân cao bước gọn, vững chắc, thân mình dài cá trắm, lỗ hậu môn màu hồng.
Dinh dưỡng
Với ngỗng khi được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì tốc độ lớn sẽ là kỷ lục, song nếu nguồn thức ăn chỉ là cỏ, rau xanh và các loại củ hạt do ngỗng tự tìm kiếm hoặc nông hộ chỉ cho ăn hạn chế thì ngỗng vẫn phát triển bình thường nhưng chậm hơn. Ngỗng có thể sử dụng rất hiệu quả thức ăn xanh. Ngỗng cũng ăn ngô, thóc, cám công nghiệp, gạo, mỳ… Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm vitamin giúp tăng sức đề kháng.
Cho ngỗng con ăn nhiều bữa (4 – 5 bữa/ngày) trên khay, máng ăn bằng tôn có kích thước cao 2 chỉ, rộng 45 cm, dài 60 cm, đảm bảo cho 25 – 30 con ngỗng con. Từ tuần tuổi thứ ba trở đi, ban ngày chăn thả, chỉ bổ sung thức ăn tinh cho ngỗng vào buổi chiều và ban đêm. Hàng ngày, phải đảm bảo cho ngỗng được uống nước sạch đầy đủ. Đặc biệt cần cho ngỗng đi ăn ở những nơi có nguồn nước sạch và có bóng râm.
Phòng bệnh
Ngỗng dễ nhiễm bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn, bệnh phó thương hàn, hay bệnh cắn lông, rỉa lông… Do đó, không nên nuôi lẫn lộn giữa vịt, ngan và ngỗng. Chuồng trại cần làm vệ sinh thật chu đáo, kể cả các dụng cụ ăn uống cần được tẩy uế sát trùng theo định kỳ thời gian, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra.
Thu hoạch
Nhìn chung sau khi nuôi 3 – 4 tháng, ngỗng thường đạt trọng lượng 4 – 4,5 kg, những giống ngỗng ngoại nhập có thể cao hơn, đạt 4,5 – 5 kg. Nếu ngỗng được nuôi dưỡng chăm sóc tốt ngay từ đầu thì thời gian có thể rút ngắn không tới 3 – 4 tháng nuôi.
Do có thể nuôi chăn thả nên lượng thức ăn nuôi ngỗng không tiêu tốn nhiều như các loài khác, vì vậy ngỗng sư tử đạt hiệu quả khá cao.
>> Ngỗng cái đẻ trứng lúc 8 – 9 tháng tuổi, sức đẻ rất lớn từ 50 – 70 quả/năm và khối lượng trứng khá to, vụ đẻ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. |