Nghịch lý giá thịt lợn

Thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm nhưng giá thịt lợn tại các chợ ở Bắc Giang vẫn ở mức cao. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng cần có biện pháp điều chỉnh, quản lý nhóm tư thương giết mổ và bán lẻ, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chủ nuôi lo lỗ, người bán lãi cao

Những ngày qua, ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập (Tân Yên) không khỏi sốt ruột, lo lắng bởi giá lợn hơi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn không ngừng tăng. Gia đình ông Đăng hiện có 30 con lợn thương phẩm đến kỳ xuất bán và 2 lợn nái sinh sản. “Do chủ động được con giống nên giá lợn hơi ở mức dưới 60 nghìn đồng/kg như hiện nay thì gia đình tôi coi như chỉ được lãi phần giá giống”.

Không chỉ ông Đăng, các chủ chăn nuôi lợn khác (trừ các trang trại chăn nuôi gia công) cũng đang lo ngại vì nguy cơ thua lỗ hiện hữu. Ông Ngô Xuân Lương, Chủ tịch Hội chăn nuôi lợn sạch Tân Yên cho biết, nếu các hộ nuôi không tự sản xuất được con giống thì thời điểm này có lợn thịt xuất chuồng sẽ bị lỗ từ 200 – 300 nghìn đồng/tạ lợn hơi. Vì ngoài lý do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, còn do lợn thịt được bán ở thời điểm này đồng nghĩa với chủ nuôi phải nhập con giống từ hơn 3 tháng trước. Khi đó, lợn giống đang ở mức cao, khoảng 2,3 triệu đồng/con (chưa kể chi phí nhân công, thuốc thú y, điện, nước…).

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu tháng 8 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục hạ, hiện đã giảm 34% so với cùng kỳ năm 2020 (xuống mức dưới 60 nghìn đồng/kg), giá lợn giống cũng giảm mạnh (giảm hơn 50% so với cùng thời điểm năm ngoái) và ở mức thấp nhất trong hai năm qua. Nguyên nhân là do nguồn lợn nuôi trong dân còn nhiều; dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm cho việc vận chuyển đi tiêu thụ khó khăn; các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp tiếp tục ngừng hoạt động.

Hầu hết các hàng bán thịt lợn không có bảng niêm yết giá. Ảnh chụp tại chợ Thương sáng 7/8/2021.

Tuy nhiên, giá thịt lợn bán tại các chợ trong tỉnh hiện vẫn ở mức cao (mặc dù đã giảm trung bình từ 20 – 30 nghìn đồng/kg so với thời điểm giữa quý II năm nay). Đơn cử, sáng 7/8, giá bán lẻ thịt lợn tại một số chợ, như: Chợ Thương (TP Bắc Giang); chợ Neo, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và chợ Mọc, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đều dao động từ 97 – 130 nghìn đồng/kg (tùy từng loại thịt), trong khi giá lợn hơi trong ngày chỉ ở mức 56 nghìn đồng/kg. “Với giá thịt lợn như hiện nay, khâu mổ và bán lẻ thu lãi hơn 3 triệu đồng/tạ lợn hơi. Đây là nghịch lý trong sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi lợn”, ông Lương nói.

 

Quản lý giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

>> Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết tháng 7, tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 941,75 nghìn con, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân toàn tỉnh xuất bán 37,5 nghìn con lợn/tuần.

Gần đây, giá lợn có biến động lớn, nguyên nhân chính vẫn là do dịch Covid-19 bùng phát. Dịch bệnh khiến thời điểm cuối tháng 5 vừa qua giá thịt lợn tăng lên mức 200 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Ông Lê Quang Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Giang cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu của người dân thời điểm đó tăng đột biến, đặc biệt là ở TP Bắc Giang. Nhiều hộ vội mua tích trữ dùng dần trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Phần nữa là do các huyện thực hiện giãn cách nên khó vận chuyển và nguồn cung thịt lợn giảm sút, không đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng đột biến tại TP Bắc Giang.Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, hiện tại Bắc Giang đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn… sẽ được phép hoạt động trở lại, lượng thực phẩm tiêu thụ mạnh. Dự báo trong thời gian tới giá lợn hơi và thịt lợn sẽ tăng vì giá thành chăn nuôi vẫn ở mức cao. Thịt lợn là nhóm thực phẩm thiết yếu nên giá tăng hay giảm đều tác động đến người tiêu dùng, nhất là khi thịt tăng giá trong lúc này. Bởi đa phần người dân đều giảm thu nhập do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, sản phẩm nội tạng lợn không bán được do các cửa hàng kinh doanh sản phẩm này bị đóng cửa dẫn đến lò mổ phải tăng giá thịt để bù giá. Lợi dụng thực tế này, nhiều cửa hàng bán lẻ thịt lợn ở TP Bắc Giang đã cố tình tăng giá để trục lợi. Nhằm chấm dứt việc tăng giá trục lợi, Cục QLTT Bắc Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở và vận động tiểu thương, các siêu thị trên địa bàn như: Co.opmart, BigC ký cam kết không tự ý tăng giá, đến nay đã không còn hiện tượng này.

Dù vậy, dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp ở cả trong và ngoài nước. Trước mắt, giá thức ăn chăn nuôi sẽ chưa thể giảm vì thiếu nguồn cung, do đó giá thành chăn nuôi lợn vẫn ở mức cao. Nếu dịch bệnh tái diễn, việc sản xuất và cung ứng thịt lợn có nguy cơ diễn ra theo “kịch bản” như hồi tháng 5 vừa rồi. Để người chăn nuôi, đặc biệt là người tiêu dùng không bị thiệt hại và trục lợi, Cục QLTT Bắc Giang và ngành liên quan cần có biện pháp phù hợp, kiểm soát chặt, không để thương lái và lò mổ ép giá người chăn nuôi, đặc biệt là việc tiểu thương tự ý tăng giá bán thịt lợn. Cử lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các điểm bán, yêu cầu các cửa hàng bán thịt phải niêm yết giá để người dân được biết và xử lý nghiêm nếu có vi phạm xảy ra.

Bài, ảnh: Bảo Lâm

Nguồn: Báo Bắc Giang
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *