(Người Chăn Nuôi) – Ngày 18/3 tại Hà Nội và ngày 19/3 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Hiệp hội Chế biến chất béo và protein động vật châu Âu (EFPRA) tổ chức Hội thảo “Tiêu chuẩn châu Âu trong sử dụng protein nguồn gốc động vật trong chăn nuôi”.
Tại Hội thảo, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi và Thú y cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp. Mặc dù dân số đông, Việt Nam vẫn tự chủ về sản phẩm chăn nuôi cho hơn 100 triệu dân và hàng triệu khách du lịch, đồng thời bắt đầu tham gia thị trường quốc tế.
Hội thảo về tiêu chuẩn châu Âu trong sử dụng protein có nguồn gốc từ động vật trong chăn nuôi tại TP. Hồ Chí Minh sáng 19/3. Ảnh: Lưu Niệm
“Về sản lượng TĂCN công nghiệp, Việt Nam đạt 21,5 triệu tấn (chưa tính thủy sản), đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 8 thế giới. Một số sản phẩm chăn nuôi đã xuất khẩu và được thế giới công nhận như mật ong, lợn, sữa, tổ yến, trứng vịt muối, thịt gà chế biến… Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 33 tỷ USD, đóng góp 26% GDP ngành nông nghiệp và 5% GDP quốc gia. Đây là lý do Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới tham gia vào lĩnh vực này”, Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng chia sẻ.
Cũng theo ông Đăng, mặc dù là nước đứng thứ 8 thế giới về sản xuất TĂCN, Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, với hơn 65% nguyên liệu đến từ nước ngoài. Nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc động vật nhập khẩu đạt gần 300 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ châu Âu.
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là tận dụng phụ phẩm giết mổ và chế biến nhằm giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Với hơn 2,5 triệu tấn phụ phẩm mỗi năm, chủ yếu từ lợn và gia cầm, việc thu gom, tái chế vẫn còn hạn chế, đặc biệt là từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hiện, tỷ lệ giết mổ công nghiệp chỉ đạt 10 – 12% tổng số gia súc, gia cầm giết mổ, điều này cho thấy dư địa phát triển lớn trong lĩnh vực này.
Ông Robert Figgener, Chủ tịch EFPRA bày tỏ, Hiệp hội nhận thức rõ kế hoạch phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam và nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu này. Một trong những vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm là tận dụng nguồn phụ phẩm sau giết mổ để sản xuất TĂCN trong nước. Trong khi, EFPRA sở hữu hệ thống xử lý hiện đại, có thể hỗ trợ Việt Nam tái chế và sử dụng nguồn nguyên liệu này một cách hiệu quả.
Với 250 nhà máy chế biến, EFPRA có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, quản lý và tái chế phụ phẩm động vật theo hướng an toàn, bền vững. Đây là cơ hội quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển theo mô hình tuần hoàn, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tối ưu hóa giá trị gia tăng và cải thiện tính bền vững trong dài hạn.
“EFPRA sẵn sàng mời đoàn chuyên gia từ Việt Nam sang châu Âu để giới thiệu về quy trình xây dựng nhà máy, cách thức xử lý, bảo quản, vận hành và vận chuyển phụ phẩm sau giết mổ theo tiêu chuẩn cao. Bên cạnh việc tận dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, với sản lượng TĂCN dồi dào của Việt Nam, việc khai thác phụ phẩm sau giết mổ là một lựa chọn đúng đắn trong thời gian sắp tới”, ông Figgener nhấn mạnh.
Đây không chỉ là giải pháp giúp tối ưu hóa nguồn nguyên liệu trong nước, mà còn góp phần vào phát triển ngành chăn nuôi bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. EFPRA đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt trong xử lý TĂCN với 35% sản lượng hàng năm được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Ông Dirk Dobbelaere, Tổng Thư ký EFPRA cho biết, châu Âu đang áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn trong sản xuất protein có nguồn gốc động vật dùng trong chăn nuôi. Protein này chỉ được chế biến từ sản phẩm phụ của động vật khỏe mạnh đã qua giết mổ để làm thực phẩm cho con người, đảm bảo không gây rủi ro cho sức khỏe con người, động vật và môi trường, bao gồm cả các sản phẩm dùng làm thức ăn cho cá và các loài thủy sản.
Ông Dobbelaere khẳng định, protein có nguồn gốc động vật đã qua chế biến không được sản xuất từ gia súc chết, thú cưng, bùn thải, mỡ bẩn, thức ăn thừa hoặc các sản phẩm phụ chưa qua kiểm định về rủi ro. Đồng thời, các nguyên liệu có chứa chất cấm hoặc chứa các hợp chất được phép nhưng vượt quá giới hạn cho phép cũng không được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Việc sử dụng protein có nguồn gốc động vật đã qua chế biến không chỉ giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững mà còn là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng, tài nguyên đất đai và nguyên liệu sản xuất ngày càng hạn chế do tác động của biến đổi khí hậu và đô thị hóa. Ông Dobbelaere cho rằng, đây là xu hướng tất yếu giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế lãng phí thực phẩm và tối ưu hóa việc sử dụng sản phẩm phụ trong TĂCN.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp trong ngành TĂCN Việt Nam cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. Khi áp dụng tiêu chuẩn châu Âu, đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu, cải thiện quy trình chế biến và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ngành TĂCN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu và phát triển bền vững trong tương lai.
Thùy Khánh