Ngành TĂCN Châu Âu: Linh hoạt và bền vững

(Người Chăn Nuôi) – Dù dịch bệnh trên người và trong ngành chăn nuôi đã làm gián đoạn nhiều ngành công nghiệp, sản xuất thức ăn tổng hợp tại châu Âu vẫn ứng phó linh hoạt và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020.

Ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của châu Âu có quy mô lớn và là ngành kinh tế quan trọng, tạo việc làm cho hơn 100.000 người tại 3.500 cơ sở sản xuất với doanh thu hàng năm ước tính 50 tỷ EUR, tương đương 60,8 tỷ USD.

Trong năm 2020 đầy khó khăn do COVID-19 cùng sự thay đổi thương mại toàn cầu, logistics, xu hướng mua bán của khách hàng và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, ngành sản xuất TĂCN châu Âu được dự báo sẽ chịu tác động nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối lập với các dự báo từ Hiệp hội Sản xuất TĂCN tổng hợp châu Âu (FEFAC) đưa ra vào tháng 11/2020, tức là sản lượng TĂCN của toàn vùng sẽ giảm 2,2% thì trên thực tế ngành TĂCN của khu vực vẫn duy trì tốc độ sản xuất ổn định. Trong năm 2020, sản lượng TĂCN của châu Âu ước đạt 164,9 triệu tấn, tăng 0,1% so năm 2019.

 

TĂCN heo đang tăng

Nhìn chung, tổng sản lượng thức ăn đầu ra ổn định nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa mức sản lượng của từng loại thức ăn của các đối tượng nuôi khác nhau. Sản lượng thức ăn gia cầm giảm 0,8% do ảnh hưởng từ dịch cúm AI và các biện pháp phong tỏa để phòng tránh COVID-19 đã dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt và giảm sử dụng một số loại thịt giá cao hơn.

thức ăn chăn nuôi

Ngành sản xuất TĂCN châu Âu vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2020

Trước đó, FEFAC dự báo, sản lượng TĂCN heo sẽ giảm 1,1% trong năm 2020 do sự lây lan của Dịch tả heo châu Phi (ASF) tại châu Âu và những tác động của ASF lên ngành heo. Dù vậy, sản xuất TĂCN heo vẫn tăng 1,3% trong năm ngoái. Nguyên nhân chính là do nhiều nước đã tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, hưởng lợi từ lệnh cấm của thị trường này lên thịt heo Đức do ASF bùng phát trên đàn heo rừng tại Đức từ tháng 9/2020 và nhiều vấn đề liên quan đến công suất lò mổ. Những diễn biến này cũng không nằm ngoài dự đoán của AGRAVIS Raiffeisen AG, một trong những hãng sản xuất TĂCN heo lớn nhất nước Đức.

 

Đức giữ ngôi vương

Nếu năm 2019, Tây Ban Nha dẫn đầu châu Âu về sản xuất TĂCN tổng hợp, thì đến năm 2020, sản lượng thức ăn lại giảm 4,6%. Đức, đứng vị trí thứ 2 năm 2019 với tổng khối lượng thức ăn chỉ tăng 0,8% nhưng đủ để đưa nước này trở thành quốc gia sản xuất TĂCN lớn nhất châu Âu trong năm 2020 với sản lượng 24,29 triệu tấn. 

sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi 8 nước hàng đầu EU

Trong năm 2020, thử thách lớn nhất của các doanh nghiệp thức ăn là đảm bảo lao động (công nhân nhà máy) và logistics (lái xe tải) an toàn suốt mùa dịch. Bằng cách áp dụng nhất quán hàng loạt giải pháp để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm COVID-19, doanh nghiệp như AGRAVIS đã vượt qua năm 2020 một cách thuận lợi dù đầu năm 2020 cũng gặp một số khó khăn về nhập khẩu phụ gia thức ăn từ Trung Quốc.

 

Cải tổ ngành nông nghiệp

Ngành TĂCN của châu Âu cũng đối mặt một khó khăn lớn nữa, đó là vai trò của châu lục này trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững hơn, như theo đúng kế hoạch đã đề ra trong Chính sách nông nghiệp chung (CAP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2023. CAP kết hợp các mục tiêu hướng đến sự bền vững của Thỏa thuận xanh châu Âu, ví dụ đưa châu lục này trở thành khu vực đạt được trung hòa về khí hậu vào năm 2050.

Theo FEFAC, ngành dinh dưỡng vật nuôi có tiềm năng trợ giúp nông dân trong việc chuyển đổi sang thực hành chăn nuôi bền vững, gồm giảm khí thải môi trường, đồng thời sử dụng các nguồn đậu tương bền vững và các nguồn protein được sản xuất tại địa phương. Asbjorn Borsting, Chủ tịch FEFAC cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn của nhiều loại protein thực vật khác nhau tại châu Âu, như đậu tằm, đậu Hà Lan và đậu lupin. Nhiều dự án của châu Âu đang nghiên cứu những loại đậu này và tập trung cải tiến canh tác, tối ưu chất dinh dưỡng và tiêu hóa các nguyên liệu thô trong thức ăn”.

Sản lượng quan trọng, nhưng nhiều công ty thức ăn tại châu Âu cũng tự chịu trách nhiệm cho các phương thức thực hành chăn nuôi bền vững. Công ty thức ăn Nutreco là một trong những hãng dẫn đầu về tiêu chí bền vững. Leo den Hartog, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển tại Nutreco cho biết: Chăn nuôi có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn và phải đảm bảo khoảng 86% các thành phần trong thức ăn không cạnh tranh với nguồn thực phẩm của con người, đồng thời nâng cao khả năng chuyển đổi thực phẩm thừa, phụ phẩm và khí thành protein động vật có giá trị dinh dưỡng cho con người hiệu quả và bền vững hơn.

>> Từ nay đến hết năm 2021, các chuyên gia dự báo những thách thức liên quan đến thị trường của các sản phẩm chăn nuôi do loạt tác động COVID-19, AI và ASF sẽ còn tiếp diễn.

Vũ Đức

(Theo Allaboutfeed)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *