Ngành TĂCN 2021: Các yếu tố ảnh hưởng

(Người Chăn Nuôi) – Ðầu năm 2020, không ai có thể lường trước được những thách thức bất ngờ trong năm về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) thành phẩm. Sang năm 2021, một số vấn đề tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại TĂCN toàn cầu. Trong báo cáo Triển vọng ngành TĂCN năm 2021 của Feed Strategy, các chuyên gia kinh tế đã nêu ra những xu hướng có thể chi phối ngành công nghiệp TĂCN trong năm 2021 và thời gian tới.

Tăng chi phí

Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm Mỹ được hưởng lợi từ chi phí ngũ cốc tương đối thấp so với mức giá cao do hạn hán gây ra vào năm 2012. Tuy nhiên, vào năm 2021, giá ngô và khô đậu tương đã tăng đột biến trong quý I. Mặc dù được đánh giá là vụ thu hoạch lớn thứ 2 từ trước đến nay, tổng sản lượng ngô và đậu tương năm 2020 của Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi mất mùa ở Iowa – một bang sản xuất ngũ cốc quan trọng của Mỹ. Thomas Elam, Chủ tịch của FarmEcon LLC dự đoán, giá ngô và khô đậu tương sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% trong quý tiếp theo của năm 2021.

Trong khi đó, xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc đã tăng đáng kể vào năm 2020 khi nguồn cung từ Brazil suy giảm, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục khi nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới tái đàn và sản lượng gia cầm vẫn tăng mạnh. Will Sawyer, chuyên gia kinh tế hàng đầu về protein động vật CoBank cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng giá ngũ cốc tương lai của Mỹ là 4,25 USD/giạ ngô và 375 USD/tấn khô dầu đậu nành khi nhu cầu TĂCN của Trung Quốc tăng lên trong khi nước này tái thiết đàn heo”. Paul Hughes, nhà kinh tế trưởng của IHS Markit Food và Kinh tế hàng hóa nông nghiệp dự báo rằng, Trung Quốc cũng có thể bắt đầu mua bã bắp lên men của Mỹ (DDGS). Ðiều này sẽ góp phần tăng giá nguyên liệu TĂCN.

ngành thức ăn chăn nuôi

Ngành TĂCN sẽ phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng – Ảnh: Medical

 

Ảnh hưởng của COVID-19

Có 2 cách mà đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động đến ngành công nghiệp TĂCN toàn cầu: Sự an toàn của nhân viên và nhu cầu protein động vật. “Mặc dù ngành TĂCN đã được chứng minh là có khả năng chống chọi khá tốt trong cuộc khủng hoảng COVID-19 so các ngành kinh tế khác, nhưng đại dịch hiện nay và nguy cơ bùng phát các đại dịch khác sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành vào năm 2021”. Trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành TĂCN phải thực hiện các quy trình, đào tạo và trang thiết bị để bảo vệ nhân viên và ngăn chặn sự lây lan của virus cũng như duy trì mức độ sản xuất và dịch vụ. Không có giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng để vượt qua những vấn đề này, nhưng các công ty có thể chuẩn bị bằng cách thông báo kỹ lưỡng các kế hoạch hành động cho người lao động và linh hoạt nhất có thể. Theo Visser, việc suy giảm chuỗi giá trị giống như trong thời gian đầu bùng phát dịch COVID-19, sự gián đoạn chế biến ở các nhà máy đóng gói sẽ tiếp tục thúc đẩy mức giá và tiềm năng kiếm tiền trên thị trường. Chắc chắn có khả năng xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng vì sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 dường như đang xảy ra là trên khắp bắc bán cầu.

Hug. Dave Taylor, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Mỹ của Borregaard về TĂCN nói: “Tác động của điều này đối với ngành TĂCN rất khó dự đoán. Mặc dù ngành TĂCN không bị ảnh hưởng nặng nề như một số ngành khác, nhưng đã có những tác động do hành vi của người tiêu dùng được định hình bởi đại dịch”. Theo đó, Jordan gợi ý ngành nông nghiệp thực phẩm nên thận trọng trong các khoản đầu tư và linh hoạt.

 

ASF định hình thị trường xuất khẩu protein

Sau sự tàn phá của Dịch tả heo châu Phi (ASF) với ngành chăn nuôi heo Trung Quốc, kể từ tháng 8/2018, nước này đã nhanh chóng tái đàn và tự tin có thể kiểm soát được virus một phần nhờ vào các khoản đầu tư lớn trong các hoạt động chăn nuôi heo thương mại hiện đại, với tầm nhìn đặt ra là tự cung tự cấp thịt heo. Hiện, các quốc gia xuất khẩu thịt heo và protein động vật khác sang Trung Quốc để bù đắp nhu cầu mà ASF tạo ra đã thu được lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, 3 – 5 năm tới, điều này có thể sẽ không xảy ra. Theo một báo cáo tháng 10/2020 của Rabobank, Trung Quốc có thể quay trở lại mức tự cung tự cấp 95% trong sản xuất thịt heo vào năm 2025. Dự báo năm 2021, sản lượng thịt heo của Trung Quốc sẽ tăng 10% so khối lượng năm 2020, nhập khẩu dự kiến giảm 20 – 30%. Sự thay đổi này có nguy cơ dẫn đến dư cung thịt heo Mỹ nếu xuất khẩu sang các thị trường khác, chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Trong khi đó, ASF tiếp tục lây lan qua châu Âu, với nhiều sự cố về virus được tìm thấy trên heo rừng ở Ðức, đe dọa nhà sản xuất thịt heo hàng đầu của châu Âu. Trung Quốc đang trên con đường phục hồi, mối quan tâm ở châu Âu là Ðức và Ba Lan đang gia tăng. Tác động lên sản lượng TĂCN và giá thịt heo rất khác nhau ở mỗi quốc gia và năm 2021 sẽ chứng kiến các thị trường có bên thắng, bên thua. Nếu không có các biện pháp tiêm phòng hiệu quả trên toàn cầu, dịch bệnh động vật bùng phát sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

 

Biến động của thị trường

Những tác động kéo dài và đáng kể COVID-19 và ASF sẽ tiếp tục thúc đẩy sự biến động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Biến động sẽ dẫn đến sự thay đổi về khối lượng giữa các thị trường, giá cả và mức lợi nhuận khác nhau của các nhà sản xuất, do đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về TĂCN và phụ gia TĂCN. Jeff Hernandez, Giám đốc Quan hệ ngân hàng doanh nghiệp, thực phẩm và đồ uống Ngân hàng Mỹ giải thích, thách thức lớn nhất của ngành TĂCN là bảo vệ biên lợi nhuận trước sự biến động giá hàng hóa, cho dù là do nguồn cung nguyên liệu TĂCN hay nhu cầu về thức ăn thành phẩm. Sự biến động liên tục của nhu cầu đã tăng lên mức chưa từng thấy vào năm 2020 do COVID-19 không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Ðiều này đã thúc đẩy người thắng và người thua rất rõ ràng và có ý nghĩa cả theo khu vực, theo loài và đòi hỏi các nhà sản xuất phải tăng cường đa dạng khách hàng. Ðiều này cũng sẽ thúc đẩy sự hợp nhất hơn nữa về cung và cầu của ngành TĂCN.

 

Nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng

Người tiêu dùng ngày càng có mong muốn minh bạch về nguồn gốc thực phẩm và cách sản xuất thịt, sữa và trứng mà họ tiêu thụ. Vì vậy, điều này dẫn đến tăng nhu cầu về sản xuất bền vững, phúc lợi động vật, chế độ ăn chay hoặc không sử dụng kháng sinh. Các nhà sản xuất TĂCN không nên chờ đợi khi Chính phủ ban hành các quy định mới hành động mà hãy sẵn sàng điều chỉnh chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành công nghiệp TĂCN phải tìm cách tối đa hóa dinh dưỡng và hiệu quả trong khi cung cấp danh sách thành phần hấp dẫn người tiêu dùng. Các bên liên quan trong ngành TĂCN cũng nên theo dõi xu hướng tiêu thụ protein của người tiêu dùng, đặc biệt liên quan đến các lựa chọn thay thế protein động vật đang so chiều hướng tăng.

 

Thách thức khác

Ngoài các xu hướng trên, Erik Visser, Giám đốc điều hành Hamlet Protein đã xác định 4 yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại TĂCN năm 2021, đó là: Giảm sử dụng kháng sinh; Các hạn chế về ôxit kẽm (ZnO) của EU có hiệu lực vào năm 2022; Kiểm soát chi phí với việc thay đổi giá thành và nhu cầu về chế độ ăn; Tối đa hóa tiềm năng di truyền của vật nuôi.    

Thanh Ðức

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *