(Người Chăn Nuôi) – Chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1993, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P. Group, thành lập năm 1921 tại Bangkok, Thái Lan) hoạt động chính trong lĩnh vực công nông nghiệp thực phẩm theo mô hình 3F Plus hoàn toàn khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống đến chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành chăn nuôi giống gia cầm được C.P. đặc biệt quan tâm bởi đây là khâu quan trọng, góp phần quyết định kết quả của cả một dây chuyền chăn nuôi phía sau, với mục đích cuối cùng là mang đến hiệu quả tối ưu nhất cho người chăn nuôi.
Nguồn giống bố mẹ
Đầu tiên, con giống bố mẹ được chọn lọc từ nguồn giống tốt nhất ở trong nước và nước ngoài. Đối với con giống từ nước ngoài, con giống sẽ được nhập khẩu trực tiếp qua đường hàng không để đảm bảo chất lượng được tốt nhất và khi về đến trang trại sẽ được kiểm tra để đảm bảo giống khỏe mạnh, không mang bất cứ mầm bệnh nào. Tiếp đó, giống gia cầm sẽ được úm trong giai đoạn đầu nhằm tạo nền tảng tốt nhất cho giai đoạn khai thác trứng. Sau giai đoạn úm, các con giống sẽ tiếp tục được chăn nuôi tại các trang trại đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn và tiến hành khai thác trứng giống để chuyển về nhà máy ấp trứng.
Trang trại chăn nuôi con giống gia cầm
Nhiều năm qua, C.P. Việt Nam không ngừng cải tiến và phát triển mô hình chăn nuôi giống gia cầm, xây dựng các trang trại hiện đại đúng tiêu chuẩn nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời góp phần tích cực cho sự phát triển ngành chăn nuôi của đất nước. Các trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn chung của tập đoàn C.P. Thái Lan áp dụng hệ thống tự động hóa và công nghệ 4.0 vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tạo môi trường sống tốt nhất cho vật nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các trang trại cũng được đặt tại các vị trí cách xa khu dân cư, được phân chia thành các khu vực riêng biệt nhằm đảm bảo an toàn sinh học và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Các khu vực riêng biệt tại trang trại chăn nuôi giống gia cầm của C.P. Việt Nam.
Tất cả phương tiện và người ra vào trại đều được sát khuẩn, khử trùng trước khi vào trại, để vào khu sản xuất mọi người đều phải thực hiện sát trùng, tắm và thay đồ dùng chuyên dụng của khu vực này.
Xịt rửa tay bằng cồn 70 độ trước khi vào chuồng.
Hằng ngày, các kỹ sư và công nhân thực hiện chăm sóc kiểm tra sức khỏe giống gia cầm, các con giống sẽ được làm quen ổ đẻ tự động để đẻ trứng vào hệ thống ổ đẻ tự động. Trứng giống được công nhân chọn lọc và đưa vào kho lạnh để bảo quản. Sau đó, trứng sẽ được vận chuyển về nhà máy ấp bằng xe chuyên dụng có hệ thống điều hòa để duy trì nhiệt độ trong xe không quá 250C, giữ ổn định chất lượng.
Gà vào ổ đẻ tự động để đẻ trứng.
Quy trình sản xuất
Trứng khi được về nhà máy ấp sẽ được khử trùng bằng phương pháp xông khói để tiêu diệt các vi khuẩn, mầm bệnh có ở vỏ trứng. Tiếp đó, trứng được bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ từ 15 – 170C và được vận chuyển sang phòng làm ấm trước khi chuyển vào máy ấp. Sau khi đủ thời gian ở máy ấp, trứng sẽ được chuyển sang máy nở để nở ra con giống 1 ngày tuổi.
Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy ấp trứng.
Trong suốt quá trình ấp nở, hằng ngày nhân viên sẽ tiến hành kiểm tra máy ấp, máy nở và các thông số kỹ thuật để đảm bảo quá trình ấp nở diễn ra tốt nhất, đồng thời sẽ soi trứng để loại bỏ các quả trứng không đạt yêu cầu. Sau khi nở, nhân viên kỹ thuật sẽ kiểm tra và loại bỏ các con giống không đạt tiêu chuẩn, các con giống đạt chuẩn còn lại sẽ được tiêm, phun các loại vaccine phòng chống dịch bệnh cần thiết nhằm đảm bảo con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, phát triển tốt.
Và cuối cùng, các con giống gia cầm của C.P. sẽ được chuyển đến khách hàng bằng xe chuyên dụng và một phần trong số đó sẽ được chuyển đến các trang trại gia cầm nội bộ của C.P. Việt Nam để tiếp tục chăn nuôi.
Xe chuyên dụng vận chuyển con giống gia cầm của C.P. Việt Nam
Ðịnh hướng ngành kinh doanh giống gia cầm của C.P. Việt Nam
C.P. Việt Nam luôn đặt uy tín thương hiệu và chất lượng lên hàng đầu, vậy nên ngành kinh doanh giống gia cầm cũng từ đó luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, mỗi giai đoạn trong cả một quá trình đều tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn đề ra. Từ đó, đem lại hiệu quả chăn nuôi cho khách hàng và góp phần cho sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.n
Nguyễn Thị Tường Vi