Ngành gia cầm toàn cầu năm 2022: Thích ứng khó khăn, tiếp tục tăng tốc

(Người Chăn Nuôi) – Các thách thức của ngành gia cầm liên quan đến chi phí thức ăn, cạnh tranh thị trường và dịch vụ ẩm thực đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, ngành gia cầm toàn cầu đã thích ứng tốt trước mọi khó khăn và tiếp tục tăng tốc vào năm 2022.

Xây dựng chuỗi bền vững

Tính minh bạch trong sản xuất thực phẩm có thể nâng cao an toàn thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ được coi là chìa khóa mang lại một chuỗi cung ứng gia cầm hợp lý và bền vững. Hiện nay, trong chuỗi cung ứng gia cầm, thách thức mà chúng ta đang đối mặt không chỉ là vấn đề truy xuất nguồn gốc, Julie McGill, Phó Giám đốc chiến lược chuỗi cung ứng, FoodLogiQ nói tại Hội thảo trực tuyến Chiến lược cải thiện công nghệ thúc đẩy truy xuất nguồn gốc.

Công nghệ số không còn xa lạ trong ngành gia cầm tại các nước phương Tây và một số nước châu Á. Nhưng ứng dụng những công nghệ này được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn trong năm 2022 như blockchain, RFID và barcode – đều là những công cụ hiệu quả giúp theo dõi và tìm kiếm thông tin về sản phẩm suốt chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn. 

COVID-19 là cú hích tăng tốc áp dụng công nghệ trong ngành công nghiệp gia cầm. Các nhà sản xuất gia cầm tại Thái Lan đang áp dụng công nghệ để thay thế dần con người. Eakgawee Singprasert, Giám đốc kinh doanh Food Machinery cho biết, rất nhiều khách hàng muốn sử dụng rô bốt và camera thông minh để xử lý công việc của công nhân. Một số công ty hướng đến mục đích nâng cao hiệu quả và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn. Ngoài IoT công nghiệp, công nghệ thông minh như thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo và rô bốt đang trở nên quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.

sản xuất thịt toàn cầu

Julie McGill cho biết, nhiều doanh nghiệp gia cầm trên thế giới đang tìm kiếm cách thức nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Dữ liệu chính là cách tốt nhất để họ cải thiện khả năng ứng phó tốt nhất trước một thị trường đầy biến động và khó lường sau đại dịch COVID-19. Công nghệ hoàn toàn có khả năng thay thế con người và vượt qua được những thách thức mà sức lao động của con người phải chịu thua, đồng thời tiết kiệm tối đa thời gian và tiền bạc.

 

Chú trọng môi trường, phúc lợi động vật

Phát biểu tại Hội nghị ngành công nghệp trứng và gia cầm 2021 (EPIC), James Hook, một nhà sản xuất hàng đầu ngành gia cầm tại Anh cho biết, các hãng gia cầm không chỉ tạo ra sản phẩm protein với giá cạnh tranh cho người tiêu dùng, mà còn phải quan tâm nhiều hơn nữa tới môi trường và phúc lợi động vật. Ðây là 2 phạm trù rộng lớn, nhưng cần phải hành động từ những việc cụ thể. Ví dụ, theo James, có thể bắt đầu bằng việc giảm đậu tương trong khẩu phần ăn của gia cầm, giảm kháng sinh bằng phụ gia thay thế, hay lựa chọn một mô hình nuôi thân thiện môi trường.

“Không đậu tương” sẽ trở thành một xu hướng mới trong chăn nuôi gia cầm, theo các chuyên gia tại EPIC. Cùng nhận định đó, James Hook cũng đang thử nghiệm các khẩu phần thức ăn chăn nuôi không đậu tương ngay tại trang trại của mình và thu được các kết quả rất khả quan. Khẩu phần này được sử dụng đến vụ nuôi thứ 3 và vẫn cho hiệu suất nuôi rất tốt, không ảnh hưởng tiêu cực đến vật nuôi. Theo James, nhiều trang trại gia cầm hiện nay đang giảm dần lượng đậu tương từ 5, 10, 15 và 20%.

Các giải pháp cân bằng môi trường và phúc lợi động vật là chìa khóa, cùng đó là các mô hình chăn nuôi tích hợp từ sản xuất con giống đến xuất khẩu, chế biến thịt. Cơ sở của James tham gia Better Chicken Commitment và cam kết duy trì mật độ thả nuôi thấp và sử dụng giống lớn chậm. James đã đặt ra mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu con gia cầm mỗi tuần theo cam kết Better Chicken Commitment. Tuy nhiên, không phải trang trại gia cầm nào cũng có khả năng đi theo xu hướng này, nhất là những trang trại quy mô nhỏ lẻ tại châu Á – nơi chăn nuôi gia cầm vẫn rời rạc, tự phát và không quan tâm đến phúc lợi động vật cũng như môi trường.

Ngoài ra, xu hướng sản xuất trứng gà không lồng cũng đang phát triển mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm đến phúc lợi động vật.

ngành gia cầm 2022

Xu hướng sản xuất trứng gà không lồng hiện đang phát triển mạnh

 

Hiện đại hóa chế biến

Theo phân tích thị trường của Pete Van Poorten, chuyên gia thuộc Hãng công nghệ chế biến thực phẩm Meyn, những đại dịch như cúm gia cầm và COVID-19 đều mở ra cơ hội cho các nhà chế biến gia cầm thay đổi tư duy vào năm 2021 để chuẩn bị tăng tốc đột phá vào những năm sau. Các quốc gia như Ấn Ðộ và Trung Quốc đang sửa đổi luật pháp để sớm xóa sổ hình thức chế biến và tiêu thụ gia cầm tại các khu chợ dân sinhvà chuyển sang hệ thống chế biến tự động. Ðó là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự định hướng tốt.

Theo Global Industry Analytics, quy mô kênh tiêu thụ và chế biến gia cầm tại chợ dân sinh trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 90%. Ðiều này buộc các nhà máy chế biến nhỏ hơn phải tăng mức độ tự động hóa hơn nữa vào năm 2022. Ðồng thời, các nhà chế biến đã có tên tuổi và quy mô lớn hơn cũng phải đầu tư mạnh tay hơn nữa cho các hệ thống an toàn thực phẩm và lao động để giảm dần sự tiếp xúc giữa con người với sản phẩm và công nhân. Tự động hóa và người máy trong ngành chế biến gia cầm sẽ trở thành các xu hướng nổi trội vào năm tới và công suất tốc độ cao 13.500 – 15.000 con gia cầm/giờ không còn là mục tiêu xa vời đối với các nhà máy gia cầm quy mô nhỏ.

Dự báo của Watt cho biết, nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm gia cầm chế biến sẽ mở ra cánh cửa cho chế biến gia cầm từ bán tự động đến tốc độ cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Người tiêu dùng ngày càng hướng đến những sản phẩm tiện lợi và chế biến sẵn với giá rẻ như thịt gia cầm.

         Vũ Ðức

            (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *