(Người Chăn Nuôi) – Sản xuất thịt gia cầm toàn cầu ước tính tăng 2% trong năm nay, nhưng ngành chăn nuôi gia cầm và nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn.
Trở ngại COVID-19
Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), nền kinh tế toàn cầu được dự kiến tăng trưởng 4,9% trong năm nay, sau khi đạt con số thấp hơn kỳ vọng là 5,9% vào năm 2021. Trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng vừa phải 3,3%. Rất nhiều vấn đề đã ảnh hưởng đến năm 2021 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022, trong đó có COVID-19. Dù tình hình năm nay sẽ được cải thiện nhưng chuỗi cung ứng khó hồi phục về mức bình thường. Các kết quả khảo sát từ Oxford Economics, sự bất ổn của chuỗi cung ứng đã trở thành một nỗi lo ngại lớn hơn cả sự phát triển của các biến chủng COVID-19.
Trong tháng 11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo mọi quốc gia ở châu Âu và Trung Á đều đang đối mặt một mối đe dọa thực sự từ những làn sóng COVID-19 mới dù đây là những quốc gia đã từng đánh bại COVID-19. Tổ chức này nhấn mạnh rằng những ca nhiễm bệnh lại một lần nữa đạt kỷ lục và biến chủng Delta lây lan nhanh tiếp tục bao trùm châu Á và châu Âu.
Oxford Economics dự báo, nếu những khu vực trên không thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh thì sẽ phải chứng kiến thêm 500.000 ca tử vong nữa vào đầu tháng 2/2022.
Áp lực giá
Trong khi áp lực giá được kỳ vọng sẽ giảm dần vào năm 2022, thì tại một số thị trường trở ngại này vẫn tồn tại dai dẳng và gây ra sự bất ổn nghiêm trọng. Những hãng sản xuất gia cầm ở rất nhiều quốc gia đã phải chấp nhận chi phí đầu vào bị đội lên rất cao. Một số trường hợp đã phải cắt giảm sản xuất. Trong khi áp lực giá đối với thức ăn chăn nuôi đang giảm dần trong năm nay, thì những chi phí khác vẫn leo thang, cùng đó là sự bất ổn nghiêm trọng quanh vấn đề năng lượng.
Theo một báo cáo vào tháng 10/2021, USDA dự báo, sản xuất gia cầm của nước này sẽ tăng 1% trong năm 2022. Năm ngoái, chi phí sản xuất gia cầm tại Mỹ tăng cao hơn năm trước đó. Và những chi phí này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay dù thấp hơn năm ngoái một chút. Cũng như ở châu Âu và châu Á, Mỹ cũng chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt khi năm 2021 kết thúc.
Rabobank nhấn mạnh rằng, nguồn cung thịt bò Mỹ thấp hơn và sự phục hồi của kênh dịch vụ ẩm thực sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt gà. Những hãng chăn nuôi tổng hợp sẽ phải gánh chi phí tăng cao hơn, nhưng có thể bù lại bằng cách tăng sản lượng đầu ra và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó tại Brazil, sản xuất gia cầm và xuất khẩu đạt kỷ lục mới vào năm ngoái và được kỳ vọng bứt phá trong năm nay. Cuối tháng 9/2021, Hiệp hội protein động vật (ABPA) dự báo, sản xuất gà công nghiệp của Brazil sẽ đạt 14,4 – 14,7 triệu tấn. Tổ chức này cũng kỳ vọng xuất khẩu gia cầm của Brazil tăng 3,5% so năm ngoái. Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm tại thị trường nội địa được kỳ vọng duy trì ở mức tốt trong bối cảnh giá tăng cao bởi ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn thịt gà.
Theo những dự báo từ tháng 10/2021, sản lượng gia cầm của châu Âu sẽ tăng nhẹ trong năm nay. Cơ quan giám sát nông nghiệp và phát triển nông thôn của châu Âu dự báo sản lượng đầu ra tăng 1%, tuy nhiên kết quả này sẽ còn phụ thuộc vào sự xuất hiện trở lại của COVID-19 và cách ứng phó với đại dịch của các Chính phủ tại châu Âu. Ngay sau những dự báo này, nhiều Chính phủ châu Âu đã bắt đầu áp đặt lệnh hạn chế lên cư dân trong nước và giờ mở cửa kinh doanh. Tại khu vực Bắc bán cầu, nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm (AI), ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm khi bước sang năm 2022. Rabobank dự báo, từ tháng 11/2021, sản xuất gia cầm tại 27 nước thành viên châu Âu và Anh sẽ tăng 1% nếu như các vấn đề nguồn cung được giải quyết và nền kinh tế mở cửa trở lại.
Điểm sáng châu Á
Chăn nuôi gia cầm Trung Quốc được dự báo giảm tốc trong năm nay do nhu cầu tiêu thụ yếu và sản xuất thịt heo tăng trở lại. Chi phí đầu vào tăng cao cũng tác động đến các hãng sản xuất tại đây. Chăn nuôi gà lông màu, tuy nhiên, lại được dự báo tăng trưởng tích cực. Hầu hết các thành phố ở Trung Quốc đều đóng cửa khu chợ kinh doanh gia cầm sống, nên nhiều hãng sản xuất lớn hơn chuyển hướng sang thị trường gia cầm ướp lạnh và chế biến. Nhập khẩu gia cầm sẽ tiếp tục xu hướng giảm như năm ngoái nhưng có thể tăng vào nửa cuối năm 2022.
Sản lượng gia cầm của Ấn Độ đã tăng mạnh từ nửa cuối năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, mặc dù tăng trưởng sẽ chậm hơn ở mức khoảng 5%. Chi phí thức ăn vẫn là trở ngại lớn, Chính phủ có thể sẽ phải tăng nhập khẩu thức ăn và những khó khăn do COVID-19 gây ra sẽ còn tiếp diễn.
Ngành gia cầm Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Những giải pháp siết chặt để ngăn chặn dịch bệnh tại các nhà máy và đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng đến lực lượng lao động nước ngoài và hạn chế sản xuất. Đầu ra trong vùng đã giảm từ nửa cuối năm ngoái, đặc biệt tại Thái Lan và Việt Nam. Dự Theo Rabobank, sản xuất gia cầm của toàn vùng trong năm nay sẽ tăng 3 – 4%. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, tiêu thụ sẽ tăng. Tuy nhiên, ngành gia cầm sẽ tiếp tục đối mặt các chi phí leo thang. Cơ hội xuất khẩu sẽ cải thiện với tăng trưởng mạnh nhất được dự báo với Thái Lan và Việt Nam.
Theo một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng thịt gia cầm toàn cầu trong năm 2022 sẽ đạt 100,9 triệu tấn, ước tăng 2%. Sản xuất mở rộng là nhờ động lực tiêu thụ mạnh mẽ do người tiêu dùng trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các loại thịt giá rẻ. Tuy nhiên, chi phí đầu vào, chủ yếu là thức ăn chăn nuôi vẫn không ngừng tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các hang gia cầm toàn cầu.
Vũ Đức
(Theo Worldpoultry)