Ngành gia cầm hậu COVID-19 sẽ thế nào?

(Người Chăn Nuôi) – Từ những cách thức mới trong sản xuất đến marketing, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự thay đổi rộng khắp ngành gia cầm và trứng toàn thế giới.

Toàn bộ thay đổi trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm và sản xuất trứng đã xuất hiện và tồn tại hơn 18 tháng qua. Cho đến nay, vẫn chưa thể chắc chắn liệu ngành gia cầm còn tiếp tục thay đổi nữa hay không? Ðại dịch COVID-19 đã buộc toàn ngành này phải đổi mới từ cách thức sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng. Trong đó, một trong số những sự thay đổi sẽ có tác động dai dẳng hơn số còn lại.

 

Tự động hóa tăng cao hơn

Chuyên gia kinh tế ngành hàng protein động vật tại CoBank, Will Sawyer nhấn mạnh, sự kỳ vọng lớn vào việc gia tăng tỷ lệ sử dụng robot trong năm nay giữa các hãng chế biến gia cầm quy mô lớn. Sau đó, ứng dụng robot này sẽ dần mở rộng sang các hãng chế biến nhỏ hơn.

ngành chăn nuôi gia cầm

Will Sawyer khẳng định, robot không thể thay thế con người hoàn toàn nhưng đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho người lao động trong một số nhiệm vụ lặp đi lặp lại hoặc quá nguy hiểm mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao hơn. Trong năm 2021, rất nhiều công ty gia cầm quy mô lớn đã tăng tỷ lệ sử dụng robot và tiếp theo sẽ là những doanh nghiệp nhỏ hơn. Trong một thế giới hậu COVID, các nhà máy chế biến được dự báo sẽ tăng công suất, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ các nhà hàng thuộc lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, ví dụ sản phẩm tiện lợi và mất ít thời gian chế biến hơn. 

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng công nghệ robot hay máy móc tự động hóa tăng cao cũng đồng thời làm gia tăng áp lực lớn hơn lên người chăn nuôi gia cầm, buộc họ phải đảm bảo sản xuất được những lứa gà đạt kích cỡ đồng đều hơn.

 

Bền vững hơn

Nhiều chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, song song tìm giải pháp vượt qua những áp lực của đại dịch, ngành gia cầm cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên sản xuất bền vững hơn kéo theo một số vấn đề. Sawyer nhấn mạnh rằng, lượng khí thải CO2 trong ngành gia cầm Mỹ đã giảm trên một nửa hơn 60 năm qua. Mặc dù sản xuất được mở rộng, nhưng sự giám sát từ phía người tiêu dùng và nhà quản lý cũng đang tăng dần lên.

Bền vững không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Bắt đầu ở quy mô trang trại, nhà sản xuất sẽ cần phải tăng khả năng xác định rủi ro, các vấn đề dịch bệnh và sử dụng thức ăn không hiệu qủa để đạt được sự bền vững. Tất cả mắt xích thuộc chuỗi cung ứng sẽ cần phải được rà soát lại kỹ lưỡng và hướng đến công nghệ số hóa nhiều hơn nữa vì thương mại điện tử đang bùng nổ và len lỏi vào nhiều ngành, trong đó có gia cầm.

 

Nhu cầu trứng tại châu Á

Theo TS. Vincent Guyonnet, Giám đốc Hãng tư vấn FFI Consulting, một trong số các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hiệu suất của ngành trứng trong những năm tới sẽ là sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế châu Á sau đại dịch. Trong khi tiêu thụ trứng bình quân theo đầu người tại châu Á có thể cao hơn không đáng kể so với mức trung bình của thế giới, thì tại một số nước châu Á, lượng tiêu thụ trứng lại tăng rất cao. Ðiều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại quốc tế trong ngành trứng gia cầm.

Ðại dịch đã khắc họa rõ nét toàn cảnh thị trường, tại đó người tiêu dùng tập trung nhiều hơn không chỉ vào sức khỏe mà cả những thực phẩm mà họ ăn hàng ngày. Khi marketing trong ngành hàng trứng gia cầm được quan tâm sẽ kéo theo sự phân khúc khách hàng rõ nét hơn. Ví dụ, các chiến lược sản phẩm tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là phụ nữ mang thai, trẻ em hoặc chiến lược quảng bá lợi ích của trứng ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Những hướng tiếp cận khác có thể bao gồm cung cấp một lợi nhuận hợp lý cho nhà sản xuất, sản xuất địa phương hoặc kết hợp giá trị dinh dưỡng với những dịp tiêu dùng đặc biệt.

Chế biến trứng kỳ vọng tăng trưởng và mở rộng vị trí trong ngành gia cầm những năm tới. Cách đây 2 năm, chỉ 10% sản phẩm trứng trên toàn cầu được chế biến, chủ yếu phục vụ kênh dịch vụ ẩm thực. Ðại dịch đã làm lộ rõ những rủi ro của hướng tiếp cận này, do đó, trứng gia cầm sẽ sớm chiếm lĩnh kênh bán lẻ trong tương lai.

TS. Vincent Guyonnet, Giám đốc Hãng tư vấn FFI Consulting Guyonnet tin rằng, ngành trứng và gia cầm sẽ tăng dần tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông minh, bao gồm trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, điểm yếu của nhiều ngành gia cầm vẫn là dữ liệu khó tiếp cận, tính kết nối và tích hợp còn kém.

         Vũ Ðức

(Theo WorldPoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *