(Người Chăn Nuôi) – Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu tăng trưởng, các địa phương đang tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, tập trung phát triển đàn lợn và gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp lễ, Tết cuối năm.
Phát triển ổn định
Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 11 tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023; Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn tăng 2,9% so với cùng kỳ. Tháng 11/2024, giá lợn hơi tuy có giảm so với tháng trước đó nhưng vẫn ở mức có lợi cho người nuôi đã khuyến khích các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và các hộ nuôi nhỏ lẻ khôi phục, mở rộng đàn.
Trong khi đó, chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả tự nhiên tại nhiều địa phương dần bị thu hẹp, người dân chuyển sang các loại hình chăn nuôi khác. Đàn trâu cả nước tháng 11 giảm 3,1% so cùng kỳ năm trước; đàn bò giảm 0,4%.
Tháng 11/2024, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 44,6 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2024 đạt 475,7 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 113,2 triệu USD, giảm 7%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 147,3 triệu USD, tăng 5,3%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 11/2024 ước đạt 341,8 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,05 tỷ USD, giảm 1,3%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 1,55 tỷ USD, tăng 14,2%.
Thị trường trong nước biến động
Tháng 11/2024, giá thịt lợn hơi bình quân trên cả nước đều giảm, với mức từ 2.500 – 3.500 đồng/kg tùy từng vùng, miền. Cụ thể, khu vực miền Bắc, giá lợn hơi đồng loạt giảm ở nhiều tỉnh, thành. Tại Hưng Yên, giá lợn hơi dao động 64.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với tháng trước; Nam Định ở mức 61.000 đồng/kg, giảm 2.333 đồng/kg. Thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc có mức giá 63.000 đồng/kg.
Một số sản phẩm chăn nuôi được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Thùy Khánh
Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng chiều giảm. Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Lâm Đồng giao dịch quanh mức 61.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại dao động từ 60.000 – 61.000 đồng/kg.
Sau khi giảm 2.000 đồng/kg, lợn hơi tại Hà Tĩnh được bán ra với giá 60.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại trong vùng giữ giá đi ngang trong khoảng 60.000 – 61.000 đồng/kg.
Thị trường phía Nam giá bình quân ở mức 62.138 đồng/kg, mức giảm chung so với tháng 10 từ 3.000 – 3.500 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh có mức giảm mạnh như Bình Phước là 62.500 đồng/kg (giảm 3.090 đồng/kg), Vĩnh Long 60.778 đồng/kg (giảm 2.607 đồng/kg), Đồng Nai 61.750 đồng/kg (giảm 3.250 đồng/kg).
Giá gà công nghiệp tại Vĩnh Long, Đồng Nai trong tháng 11 tăng nhẹ, giá thu mua tại Vĩnh Long ở mức 34.111 đồng/kg (tăng 726 đồng/kg); giá thu mua tại Đồng Nai là 36.000 đồng/kg (tăng 2.375 đồng/kg). Ngược với xu hướng tăng giá của gà công nghiệp, giá gà lông màu giảm so với tháng trước, tại Đồng Nai, giá thu mua ở mức 44.750 đồng/kg (giảm 250 đồng/kg).
Giá thu mua trứng gà ta tại Đồng Nai giảm nhẹ so với tháng trước, hiện tại, giá giao dịch ở mức 28.250 đồng/chục (tăng 375 đồng/chục), giá thu mua trứng gà công nghiệp 19.625 đồng/chục (giảm 750 đồng/chục).
Yên tâm về nguồn cung
Cục trưởng Cục chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết, để phục vụ nhu cầu thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sau khi bão lũ xảy ra, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 các doanh nghiệp, người chăn nuôi đã chủ động tái đàn để đảm bảo thời gian xuất chuồng. Do vậy, câu chuyện thiếu thịt lợn dịp cuối năm sẽ khó xảy ra.
“Tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Hiện tổng đàn lợn của cả nước khoảng 26 triệu con. Với số lượng như hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết Nguyên đán”, ông Thắng cho hay.
Người chăn nuôi đẩy mạnh an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm. Ảnh: ST
Liên quan đến một số giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ rất lớn. Do đó, ngay từ đầu quý III/2024, Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương chủ động từ sớm, từ xa, cũng như tập trung đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia.
Trong khi đó, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguồn cung thịt lợn của Việt Nam những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025 cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ không tăng đột biến.
Thùy Khánh