Ngành Chăn nuôi: Bước chuyển mình tích cực

 (Người Chăn Nuôi) – “Ngành chăn nuôi sau nhiều năm trải qua giá thấp nhưng đã có bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh khó khăn của lạm phát, lãi suất tăng, vật tư đầu vào, logistics, xung đột địa chính trị…”. Ðó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến tại Hội nghị “Thực trạng phát triển chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới” diễn ra ngày 27/7/2023, tại Hà Nội (Ảnh).

Chủ động trước khó khăn

Theo báo cáo tại Hội nghị, chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu. Với riêng chăn nuôi lợn, đây là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ.

Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến cho biết, sau thời gian dài giá bán thấp hơn giá thành, giá thịt lợn tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp.

Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết bản thân nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý rốt ráo vấn đề.

“Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đàn lợn ước tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2022, tổng sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.000 tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ. Ðàn gia cầm ước tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đạt hơn 1.000 tấn.

Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn trước diễn biến về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm. Ngành chăn nuôi sau nhiều năm trải qua giá thấp nhưng đã có bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh khó khăn của lạm phát, lãi suất tăng, vật tư đầu vào, logistics, xung đột địa chính trị…

Hội nghị đề ra giải pháp về giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết các vấn đề giết mổ, sơ chế, chế biến, nhu cầu thị trường để từng bước chỉ đạo sản xuất tương đối, giúp đảm bảo tăng trưởng và đóng góp của thịt lợn trong giỏ hàng hóa.

Chăn nuôi quy mô nhỏ giảm dần

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Ðăng, ngành chăn nuôi nửa đầu năm nay đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể là chiến sự giữa Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu cao, nhiều nền kinh tế lớn gặp khó khăn. Các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và EU cũng bị ảnh hưởng. Dự báo tổng đàn lợn thế giới cuối năm 2023 đạt khoảng 770 triệu con (giảm 2% so cùng kỳ 2022).

Theo Phó Cục trưởng Phạm Kim Ðăng, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trước xu hướng đó, chăn nuôi nông hộ không bị mất đi hoàn toàn. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.

Theo Cục Chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15 – 20% sản lượng thịt lợn…

Một số giải pháp chung sắp tới sẽ được áp dụng toàn diện tại các địa phương, đảm bảo đạt mục tiêu của Bộ NN&PTNT, đặc biệt tiếp cận xu hướng toàn cầu và thâm nhập thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chuỗi liên kết; quản lý giống lợn hiệu quả; phát triển các giống bản địa, đặc hữu; kiểm soát môi trường; áp dụng các công nghệ cao.

Xây dựng, củng cố năng lực thú y

Ðể phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh đến 3 công tác thú y chính. Ðó là: phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật.

Với chăn nuôi lợn, nguy hiểm nhất hiện nay vẫn là dịch tả lợn châu Phi. Một số loại bệnh khác phổ biến trên lợn như lở mồm long móng, tai xanh… hiện đều có vaccine phòng bệnh. Muốn phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ông Minh cho rằng cần xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh.

“Từ giờ đến cuối năm 2023, Cục Thú y cam kết theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên lợn và tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh trên lợn”, ông Minh cho biết.

Chia sẻ thêm về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến cho rằng cần tổ chức, xây dựng và nâng cao năng lực ngành thú y.

Hiện một số địa phương chưa quan tâm đúng mức khiến hệ thống thú y bị tan rã. Vì thế việc chỉ đạo theo ngành dọc, từ Bộ NN&PTNT xuống Cục Chăn nuôi và Chi cục địa phương nhiều thời điểm chưa thông suốt, nhất là khi cần phản ứng nhanh, sử dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh.

Lấy ví dụ về dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Tiến cho biết, ngay khi xảy ra, Bộ NN&PTNT đã kiểm soát chặt chẽ trên cả 3 khâu: quản lý giết mổ, quản lý kiểm dịch và đặc biệt là quản lý vaccine. Vào thời điểm 2019, chưa quốc gia nào trên thế giới sản xuất được vaccine này. Nhưng bằng quyết tâm của toàn hệ thống, sự hỗ trợ của quốc tế trong đó có Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên sản xuất thành công vaccine thương mại dịch tả lợn châu Phi.

Việt Nam đang đàm phán, xuất khẩu vaccine ra một số thị trường như Philippines và các quốc gia châu Phi. “Những gì mà các nước chưa làm được thì chúng ta quyết làm bằng được. Bằng mọi giá, chúng ta phải xây dựng, củng cố được năng lực thú y, thông qua vaccine, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… để phát triển đàn lợn bền vững”, Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh.

Đưa ngành chăn nuôi ra thế giới

Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.

Ðây là những đề án về giống, công nghệ giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu ngành thú y cần kiện toàn hệ thống theo Quyết định 414/QÐ-TTg năm 2021 phê duyệt Ðề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Thứ trưởng Tiến, cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản. Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Tập trung giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Phát biểu của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Vũ Mưa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *