(Người Chăn Nuôi) – Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 320.000 tấn thịt. Đáng chú ý, Cục Thú y đã phát hiện 1.319 tấn thịt bị nhiễm Salmonella trước khi nhập khẩu vào nước ta.
Kịp thời ngăn chặn lô hàng nhiễm Salmonella
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu trên 450.000 tấn thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng 6,4% (riêng đối với các sản phẩm thịt đạt trên 320.000 tấn, tăng trên 40%) so với cùng kỳ năm 2023.
Ấn Độ là nước đứng thứ đầu về xuất khẩu sản phẩm thịt (thịt và phụ phẩm ăn được của trâu) vào Việt Nam với số lượng trên 102.000 tấn, chiếm 25,3% lượng thịt và phụ phẩm xuất khẩu vào Việt Nam, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Mỹ với trên 53.000 tấn, chiếm 13,5%, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Nga đứng thứ 3, với trên 47.000 tấn, chiếm 11,7% và giảm 5,8% so với cùng kỳ.
Kiểm tra thịt heo nhập khẩu tại kho lạnh thuộc cảng Hải Phòng. Ảnh: PV
Thị trường Đức đứng thứ 4 với trên 30.000 tấn, chiếm 7,7% lượng thịt và phụ phẩm xuất khẩu vào Việt Nam, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Đức đứng thứ 3 về xuất khẩu phụ phẩm ăn được vào Việt Nam (sau Ba Lan và Nga) với trên 24.000 tấn, chiếm 17,12% và tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ 5, với trên 30.000 tấn, chiếm 7,57% lượng thịt và phụ phẩm xuất khẩu vào Việt Nam, tăng trên 1% so với cùng kỳ.
Điều đáng nói, sau khi Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có hiệu lực từ ngày 16/5/2024, tính đến ngày 25/9/2024, Cục Thú y đã phát hiện 55 lô dương tính với Salmonella trên tổng số 6.679 lô hàng xét nghiệm, chiếm gần 1%.
Kết quả này cho thấy, nếu không xét nghiệm Salmonella, đã có khoảng hơn 1.319 tấn thịt động vật bị nhiễm Salmonella được nhập khẩu vào Việt Nam, nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cục Thú y khẳng định việc ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT tuân thủ theo quy định của pháp luật quốc tế và không gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian vừa qua. Cụ thể, việc kiểm dịch nhập khẩu đối với những lô âm tính thực hiện trong vòng 1 – 3 ngày; chỉ có khoảng 1% số lô sản phẩm động vật dương tính, cần nuôi cấy phân lập để khẳng định, cần 5 – 6 ngày làm việc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tích cực làm rõ quy định với quốc tế
Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, Cục Thú y đã có các cuộc họp trao đổi với Tham tán Nông nghiệp và cán bộ của các Đại sứ quán các nước Australia, New Zealand, Vương quốc Anh, Canada. Các nước này đều khẳng định không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, một số Tham tán Nông nghiệp các nước Mỹ, Brazil, Singapore, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan,… bày tỏ quan ngại khi Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT gây khó cho việc nhập khẩu thịt của các nước này vào Việt Nam và đề nghị trao đổi, làm rõ quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
Trước đề nghị này, ngày 27/6/2024, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đã tổ chức cuộc họp với phía Mỹ tại trụ sở WTO đồng thời mời Cục trưởng Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế (dự họp trực tuyến) để trao đổi, giải đáp các thắc mắc mà phía Mỹ kiến nghị. Đại diện Cục Thú y khẳng định, việc ban hành Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT tuân thủ theo quy định của pháp luật quốc tế và không gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian qua.
Theo đó, từ ngày 16/5/2024 (thời điểm Thông tư số 04 có hiệu lực) đến ngày 16/6/2024 (sau 1 tháng thực hiện), các nước xuất khẩu vào Việt Nam 59.461 tấn thịt và sản phẩm thịt, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái (60.516 tấn thịt và sản phẩm thịt) và tương đương so với tháng 4/2024 (60.525 tấn thịt và sản phẩm thịt). Như vậy đến nay, việc triển khai Thông tư số 04 không làm ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm động vật từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam.
Trong khi đó, quy định của EU về các chỉ tiêu Salmonella, E.coli nêu rõ, không được có Salmonella spp trong 25g thịt; E.coli tổng số không vượt quá 102 đến 5.102 tùy loại sản phẩm. Vương quốc Anh yêu cầu Việt Nam phải có Chương trình quốc gia giám sát Salmonella spp đối với các sản phẩm gà chế biến đang được đàm phán xuất khẩu sang nước này.
Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng có yêu cầu tương tự về kiểm soát Salmonella spp. Nhật Bản, Liên bang Nga và các nước Liên minh Á – Âu đã yêu cầu Việt Nam phải tổ chức kiểm soát Salmonella spp khi đàm phán, xuất khẩu thịt gà chế biến chín.
Trong khi đó, phía Trung Quốc yêu cầu phải tổ chức giám sát, xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella spp khi xuất khẩu sữa sang quốc gia này. Singapore quy định không có Serotype chủng gây bệnh của Salmonella (Enteritidis; Pullorum) trong 25g; không có Serotype chủng gây bệnh của E.coli nhóm O (như O157) trong 25g thịt bò.
Kiểm soát chặt thịt nhập khẩu
Trong nước, các doanh nghiệp, hiệp hội đều có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Điển hình như Tập đoàn CJ Vina Agri tại Việt Nam kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm sâu sát và chỉ đạo các cơ quan liên quan sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam. Đồng thời đề nghị ban hành hàng rào kỹ thuật trong tự vệ thương mại, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm và chăn nuôi không mong muốn vào Việt Nam.
Sản phẩm thịt nhập khẩu được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Khánh
Các hội, hiệp hội chăn nuôi trong nước trong đó có Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành có liên quan về kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, tương đồng quy định đối với kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật chăn nuôi trong nước, bảo vệ sức khỏe động vật, người tiêu dùng. Các đại biểu Quốc hội cũng có những câu hỏi chất vấn nhằm tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu.
Có thể thấy, việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố then chốt bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong nước, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Thùy Khánh