(Người Chăn Nuôi) – Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại cuộc họp trực tuyến giữa các thành viên Tổ Công tác Thị trường 3430 và 3476 cùng với các đơn vị trực thuộc và hiệp hội về một số vấn đề về sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, vật tư tiêu nông nghiệp các tỉnh phía Bắc và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp vào chiều 27/8.
Thông tin từ Tổ Công tác, tình hình sản xuất và nhu cầu thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động sản xuất chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc hiện nay phát triển ổn định. Tại các tỉnh, thành phố, sản lượng thịt gia súc, gia cầm và trứng cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thị tại địa phương. Bên cạnh các địa phương đủ khả năng cung cấp thì một số thành phố thiếu hụt thịt heo cho thị trường. Cụ thể, tại Hà Nội nhu cầu tiêu thụ của thành phố là 19.260 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 19.000 tấn/tháng, đạt 98,6%, nhu cầu cần cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác là 250 tấn/tháng (1,4%). Tại Hải Phòng, khả năng cung ứng thịt tại chỗ 7.800 tấn/tháng (thịt gà đủ, thịt heo thiếu 40%).
Các địa phương còn lại đều có khả năng tự đáp ứng đủ nhu cầu thịt heo tiêu dùng trong tỉnh. Một số địa phương có khả năng cung ứng thịt heo hơi cho các địa phương khác như Phú Thọ (khoảng 1.100 tấn/tháng), Bắc Giang (6.535 tấn/tháng), Sơn La (332 tấn/tháng), Nam Định (243 tấn/tháng), Hà Tĩnh (2.520 tấn/tháng).
Nhìn chung, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 dẫn đến việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm, tại một số địa phương tồn đọng khối lượng lớn các nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng (mức tăng 10 – 14% so đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng). Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá thịt heo giảm 20.000 – 30.000 đồng/kg; Tại Bắc Giang, giá thịt heo, gà giảm gây khó khăn cho duy trì sản xuất và tái đàn vật nuôi; Tại Nghệ An, hiện nay có khoảng 600.000 con heo trọng lượng từ 75 kg trở lên. Giá thịt heo hơi xuống thấp, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi trong tỉnh là 55.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Tình hình tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ thịt như giò, chả, xúc xích… cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Về tình hình lưu thông hàng hóa vật tư nông nghiệp, bao gồm cả vật tư phục vụ sản xuất đã cơ bản bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Riêng một số địa phương phải nhập vật tư nông nghiệp từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài thì gặp khó khăn. Tuy nhiên, do vận chuyển, lưu thông ra vào trong nội tỉnh và giữa các tỉnh thành khó khăn nên giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao. Trong đó, thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 30% so đầu năm 2021 và vẫn tiếp tục có xu hướng tăng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Thức ăn thủy sản tăng 20 – 30% so cùng kỳ do giá nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài tăng. Một số sản phẩm thú y tăng nhẹ. Giá thuê nhân công lao động tăng.
Về tình hình sản xuất, chế biến ngành chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chiu sự quản lý chặt chẽ về điều kiện sản xuất kinh doanh, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí chăm sóc, thức ăn cho vật nuôi khi không xuất chuồng được. Giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng cao. Mức độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm (ngoài trừ mặt hàng trứng) gặp rất nhiều khó khăn. Mức độ tiêu thụ giống giảm 30 – 35% cùng với giá bán chạm đáy, dưới giá thành (4.000 – 6.000 đồng/gà giống/1 ngày tuổi. Trang trại và hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt, trứng gia cầm vào các tháng cuối năm. Chi phí vận chuyển hàng vật tư, sản phẩm chăn nuôi tăng cao.
Về tín dụng, phần lớn các danh nghiệp sản xuất giống gia cầm và trứng đều gặp khó khăn do thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn (lượng vốn ước tính hiện nay của các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm cần khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng để đáo nợ và duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất chế biến thực hiện “3 tại chỗ”, ngoài việc duy trì sản xuất còn phải đảm bảo sinh hoạt cho công nhân. Hơn nữa, các nhà máy, kho lạnh phải thu mua dự trữ hàng của nông dân để chế biến xuất khẩu khi qua dịch cũng làm tăng chi phí điện năng gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, vaccine cho công nhân hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khó khăn lớn nhất tại các tỉnh, thành phía Nam là số lượng gà trắng công nghiệp tồn đọng, không có đầu ra. Hiện tại 19 tỉnh, thành phía Nam, các doanh nghiệp có hơn 9,1 triệu con gà trắng chưa được tiêu thụ, trong đó hơn 50% số gà đã hơn 3,8 kg. Với số lượng này tiêu tốn lượng lớn thức ăn hỗn hợp, trong khi nguồn thức ăn đang bị hạn chế do vận chuyển khó khăn. Số lượng này sẽ còn tăng nếu tình trạng tồn đọng vẫn tiếp tục. Khó khăn lớn nữa là nhu cầu vốn của các doanh nghiệp chăn nuôi là rất lớn, tồn đọng nợ cũ khó vay vốn mới để tái sản xuất và duy trì sản xuất trong thời gian tới. Vấn đề nhập lập gia cầm, đặc biệt là giống gia cầm: vịt, gà, đã được kiểm soát chặt chẽ.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc phải nắm bắt được tổng nguồn cung – cầu cho cả miền Bắc và Nam để có phương án thích hợp trong thời gian sớm nhất. Các đơn vị khối đơn vị sản xuất, các cục chuyên ngành của Bộ tiếp tục chủ động nắm bắt sát tình hình của địa phương, doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Tổ Công tác làm việc trực tuyến với Bộ ngành, đơn vị, Hiệp hội để giải quyết những khó khăn. Tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gia cầm: Giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Cục Chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT xây dựng kết hoạch… Sắp tới, Thứ trưởng sẽ làm việc cụ thể với từng lĩnh vực sản xuất, đặc biệt chăn nuôi và thủy sản để có chỉ đạo cụ thể cho từng ngành.
Vũ Mưa