(Người Chăn Nuôi) – Sáng 25/01/2024, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chủ trì Hội nghị.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn cho biết, năm vừa qua, mặc dù nền kinh tế trong nước và thế giới có những khó khăn riêng, tuy nhiên, với sự nỗ lực của các thành viên, cùng với sự đồng hành của VIPA, phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị của Hiệp hội vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. VIPA là hiệp hội ngành hàng đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng chiếm 60 – 70% thị phần của toàn ngành như gà lông màu, vịt giống, vaccine… Ước tính, tổng số gà giống mà Hiệp hội sản xuất được trong năm là khoảng 300 – 350 triệu con; trong đó giống lông màu khoảng 200 – 250 triệu con, gà giống lông trắng 100 – 120 triệu con.
Đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của VIPA.
Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số hội viên của VIPA vẫn duy trì sản lượng và doanh số cao, điển hình như: C.P. Việt Nam, Dabaco, Mavin. Sản lượng thức ăn chăn nuôi cho gia cầm do các doanh nghiệp của VIPA sản xuất năm 2023 đạt khoảng 9 – 10 triệu tấn.
Về thuốc thú y, các doanh nghiệp hội viên vẫn duy trì sản xuất và thương mại ổn định, phục vụ tốt các doanh nghiệp chăn nuôi trong và ngoài Hiệp hội, điển hình như: Viphavet, Thú y xanh, VMC Việt Nam, Thú y Toàn Thắng… Sản phẩm thuốc thú y và vaccine do các doanh nghiệp này sản xuất đã dần chiếm lĩnh được thị trường trong nước và được các hội viên của VIPA tin dùng, nhiều mặt hàng chiếm thị phần 60 – 65% cả nước.
Trong chế biến sản phẩm gia cầm, các doanh nghiệp như C.P. Việt Nam, San Hà, Lượng Huệ, Dabaco, Ba Huân, Mavin vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt, trứng sạch, chất lượng tốt.
Dấu ấn nổi bật
Từ tháng 8/2023, VIPA chính thức được kết nạp là thành viên của Hội đồng Gia cầm Thế giới. VIPA cũng vinh dự được Bộ Nội vụ đánh giá cao và ghi nhận là hiệp hội ngành hàng chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước, hoạt động tích cực, có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp.
Một dấu ấn đậm nét nữa trong năm vừa qua của VIPA phải kể đến sự tham gia tích cực, quan trọng trong công tác chống buôn lậu gia cầm. Hiệp hội đã kịp thời có nhiều đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi. Trong đó, có các biện pháp siết chặt công tác phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới, hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm chính ngạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, kiểm dịch cho doanh nghiệp… Ngoài ra, VIPA đã hỗ trợ một số doanh nghiệp giải quyết các thủ tục xuất – nhập khẩu, phát triển thị trường, triển khai tốt công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo kỹ thuật…
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết Hiệp hội đã có một năm hoạt động hết sức sôi nổi, tích cực.
Tại Hội nghị, đại biểu bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với những nội dung được nêu ra trong báo cáo. Để nâng cao vai trò hoạt động của VIPA trong thời gian tới, theo các đại biểu, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, kết nối chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, tăng cường kết nối giao thương nội khối trong Hiệp hội, phổ biến tiêu chuẩn xuất khẩu đến các hộ chăn nuôi, nghiên cứu ổn định con giống đạt chất lượng tốt, quy hoạch chăn nuôi kiểm soát an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường…
Nhiệm vụ trọng tâm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, năm 2024, VIPA sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2024 – 2029, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2024, nhằm kiện toàn lại Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Lãnh đạo Hiệp hội, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn; sửa đổi bổ sung Điều lệ, logo của Hiệp hội. Cùng đó, VIPA sẽ kiến nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan cho phép đổi tên thành Hiệp hội Gia cầm Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, VIPA sẽ xem xét kết nạp một số hội viên mới, ưu tiên các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Ngoài ra, VIPA tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao thương nội khối và xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; Tổ chức đào tạo tập huấn và hội thảo nâng cao nhận thức về chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng kháng sinh đúng và có trách nhiệm trong chăn nuôi cho các doanh nghiệp trong và ngoài VIPA, thúc đẩy hợp tác quốc tế, truyền thông…
Kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cảm ơn sự tham gia tích cực, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Đồng thời kêu gọi các hội viên không ngững nỗ lực, đoàn kết đưa Hiệp hội ngày càng phát triển lớn mạnh, là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp và người chăn nuôi, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho toàn ngành.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)