(Người Chăn Nuôi) – Ngành nông nghiệp Mỹ liên tục đưa ra những sáng kiến giúp hãng sản xuất gia cầm tăng tính bền vững, đồng thời nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng về cách sản xuất gia cầm bền vững thực sự.
Sáng kiến bền vững
Tổ chức độc lập Bàn tròn về trứng và gia cầm bền vững (US-RSPE) vừa phát triển một Chương trình khung bền vững dự kiến ra mắt vào cuối năm 2022, bao trùm toàn bộ chuỗi cung ứng của Mỹ với sản phẩm gia cầm, gà tây, trứng từ người sản xuất đến khách hàng cuối cùng. Những sáng kiến bền vững mới có thể mang lại những bài học giá trị cho các hãng gia cầm trên toàn thế giới khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bền vững của sản phẩm thịt gia cầm cũng như nhiều loại thịt khác.
Khung bền vững US-RSPE gồm các thước đo tính bền vững ở mọi quy mô. Công cụ này giúp đo lường chính xác, theo dõi quá trình cải tiến liên tục, từ đó mang lại bức tranh toàn cảnh và rõ nét về cách thức sản xuất gia cầm. Ðánh giá toàn bộ chuỗi giá trị không chỉ nắm được mức độ bền vững của nó, mà còn giúp tương tác giữa các bên hữu quan trở nên dễ dàng hơn.
Là một phần của sự phát triển khung bền vững, 2 lần trưng cầu dân ý đã được tổ chức và 8 cuộc đánh giá thí điểm toàn bộ chuỗi cung ứng được tiến hành trong lĩnh cực sản xuất gà công nghiệp, gà tây và trứng. Những người phát triển khung bền vững US-RSPE cho rằng, khuôn khổ lần này vượt trội mọi quy chuẩn thực hiện trước đây. Quan trọng là tất cả công ty đều có thể sử dụng đánh giá này dù họ gắn bó lâu dài với các phương thức sản xuất bền vững hay chỉ mới tìm hiểu chứng chỉ bền vững. Sự linh hoạt này mang lại những tiến bộ từ bên trong cho toàn chuỗi cung ứng, thể hiện điểm mạnh, điểm yếu và những điểm cần phải chỉnh sửa tiếp theo.
Mỹ đang nỗ lực để phát triển ngành gia cầm bền vững.
Theo John Starkey, Chủ tịch Hiệp hội trứng và gia cầm Mỹ, xây dựng khung bền vững giúp người chăn nuôi có một bức tranh chính xác hơn về tính bền vững cũng như thách thức của họ, từ đó tạo ra sự cải thiện đáng kể mà không làm họ choáng ngợp bởi những mục tiêu quá xa vời.
Những người tham gia trong chuỗi cung ứng gia cầm sẽ nhập dữ liệu từ năm 2021 vào khung bền vững, tại đây dữ liệu sẽ được ẩn danh và được sử dụng để báo cáo về chuỗi cung ứng bền vững toàn diện và xây dựng một nền tảng cơ sở. Dữ liệu này và các dữ liệu bổ sung trong những năm tiếp theo có thể được sử dụng để hướng dẫn đổi mới, thúc đẩy sự cải tiến và hỗ trợ truyền thông khi muốn tìm hiểu về tính bền vững đã được xác minh của sản phẩm thịt và trứng gia cầm do Mỹ sản xuất.
Hiệp hội thương mại về sản xuất thịt khu vực Bắc Mỹ (NAMI) là thành viên của US-RSPE được 2 năm và cũng vừa phát triển một khung bền vững bổ sung Protein PACT dành riêng cho các thành viên NAMI và thực hiện song song với khung US-RSPE.
Xây dựng niềm tin với người tiêu dùng
NAMI cho rằng, xây dựng niềm tin trong ngành chăn nuôi là nhiệm vụ cấp bách. Ðặt ra thang điểm niềm tin 1 – 5, NAMI nhấn mạnh rằng nếu ngành chăn nuôi cải thiện được niềm tin của người tiêu dùng từ mức hiện tại là 3,4 – 3,7 lên mức 4 hoặc hơn, thì doanh thu có thể tăng thêm 14 tỷ USD. Nhưng nếu đánh mất niềm tin với người tiêu dùng, thì doanh nghiệp sẽ mất trắng. Mức thang điểm 3 hoặc dưới 3 đồng nghĩa doanh thu sẽ bị cắt giảm 143 triệu USD/năm.
Ðến năm 2025, tất cả thành viên của NAMI trong ngành chăn nuôi sẽ cần phải vượt qua chương trình kiểm tra và đánh giá trình độ xử lý và vận chuyển sản phẩm chăn nuôi của tổ chức chứng nhận thuộc bên thứ 3. Sau đó, toàn bộ thành viên NAMI sẽ yêu cầu tất cả nhà cung cấp thực hiện chương trình đào tạo nhân viên bắt buộc và tuân thủ các tiêu chuẩn cụ thể trong chăm sóc vật nuôi. Năm 2030, các thành viên sẽ phải được thông qua chứng nhận Science Based Target về giảm khí thải theo những mục tiêu khí hậu trong Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, các thành viên cũng phải cam kết giảm tỷ lệ tai nạn lao động xuống 50% từ mức 75% như hiện nay.
Protein PACT sẽ giúp xây dựng niềm tin với người tiêu dùng và thông qua khung chương trình này, NAMI và các thành viên cùng hiệp lực để nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi ở mức cao nhất khi tới tay người tiêu dùng, cùng những đóng góp to lớn cho môi trường và xã hội trong tương lai. Các đối tác và thành viên của Protein PACT được kết nối với các chuyên gia kỹ thuật, chương trình đào tạo, nhà cung cấp và nhiều nguồn hỗ trợ khác. Mục tiêu chính là hỗ trợ lực lượng lao động đa dạng và đảm bảo nơi làm việc an toàn, từ đó tạo ra sản phẩm thịt chất lượng cao một cách bền vững, an toàn và nhân đạo.
Dũng Nguyên
(Theo WorldPoultry)