Mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng, trong đó, 3/4 là vay mượn để xây dựng mô hình nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, anh Giàng A Cheo, ở bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) không những thoát nghèo mà còn từng bước làm giàu.
Nhiều năm trước, anh Cheo từng nuôi lợn đen bản địa, gà đen và trồng lúa nhưng tư tưởng tự cung, tự cấp ăn sâu từ đời trước, khiến gia đình anh làm mà chỉ đủ ăn, nghèo vẫn hoàn nghèo. Quyết tâm thoát khỏi diện nghèo, anh chăm chỉ làm lụng hơn nữa và thay đổi tư duy sang chăn nuôi hàng hóa. Tiền bán con gà, con lợn, anh lại tái đầu tư vào chăn nuôi; có những lúc đàn gà, đàn lợn phát triển lên tới gần trăm con. Tích lũy từng chút một như vậy, gia đình anh Cheo thoát nghèo năm 2019.
Anh Cheo tâm sự: “Không trong hộ nghèo nữa nhưng nhà mình còn thiếu thốn lắm, chỉ là những điều kiện cơ bản mình đáp ứng được hơn thôi. Nhưng mình không thích nghèo, mình tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để chăm lo cho gia đình. Vì thế, cuối năm 2020, khi mình tích lũy được gần 50 triệu đồng, mình nghĩ ngay đến nuôi lợn đen vì giống này đã được thuần hóa từ lâu đời nên dễ thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết vùng cao, không kén thức ăn lại rất dễ bán vì du lịch ở địa phương đang phát triển, thương lái đặt mua nhiều mà lắm khi không có lợn để bán”.
Cán bộ nông nghiệp xã Lao Chải trao đổi kỹ thuật chăn nuôi lợn đen với chị Sàng Thị Sua – vợ anh Giàng A Cheo.
Nhìn thấy tiềm năng, anh Cheo đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 75 triệu đồng, còn lại là vay anh em bạn bè để đầu tư 200 triệu đồng vào nuôi lợn theo hướng hàng hóa thực sự từ hệ thống chuồng trại cho đến con giống, thức ăn.
Từ số vốn này, anh Cheo đầu tư một hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn rộng hơn trăm mét vuông, có hầm biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường lại có khí đốt phục vụ sinh hoạt và nấu thức ăn chăn nuôi. Ngoài khu vực nuôi nhốt được chia thành 8 ngăn thì anh cũng thiết kế 2 sân chơi rộng 30
m2/sân cho lợn vận động, có rào lưới B40 kiên cố và trồng thêm cây xanh tạo bóng mát.
Khi có chuồng trại, anh Cheo mua 6 con nái, 2 con đực, bắt tay vào chăn nuôi lợn sinh sản. Tuy chuẩn bị tốt, nhưng thiếu kinh nghiệm khi nuôi theo quy mô, anh Cheo vẫn gặp khó khăn, lợn nái chết mất 2 con.
Nguyên nhân được anh nhận định là do không chăm sóc tốt lợn sau sinh. Anh lên mạng tìm hiểu, hỏi cán bộ khuyến nông cơ sở để tìm cách khắc phục.
Rồi anh thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại và tự kiểm tra sức khỏe cho đàn lợn, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi để áp dụng vào thực tế.
Về thức ăn, anh Cheo chỉ cho ăn cám cho đến khi cai sữa, còn lại toàn bộ là thức ăn xanh như: chuối, ngô, khoai lang, cỏ voi…
Những thức ăn này đều được anh Cheo trồng bổ sung quanh vườn nhà. Lứa lợn con đầu tiên đạt gần 30 con, chỉ sau 5 – 7 tháng nuôi đã đạt cân nặng từ 20 – 30 kg, với giá bán khoảng 90.000 -100.000 đồng/kg, anh Cheo thu về hơn 50 triệu đồng. Tiền thu về anh lại mua thêm lợn nái để chủ động về con giống. Hiện tại, anh Cheo đã có 6 con lợn nái, trung bình mỗi lứa đẻ từ 5 -11 con/nái, một năm ba lứa.
Anh Cheo cho biết: “Mình chỉ nuôi khoảng 5 – 6 tháng với những con khỏe và 6 – 7 tháng với những con yếu hơn chút là bán. Cho nên, trung bình mỗi năm mình xuất chuồng được khoảng trên 80 con, mỗi con cho lãi khoảng 2 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện tại, trong chuồng lúc nào mình cũng nuôi duy trì khoảng 60 – 70 con lợn thịt, cứ đủ cân là mình gọi thương lái đến mua. Có lợn lúc nào bán hết lúc đấy và có lúc không đủ số lượng khách cần”.
Chủ động được con giống, đầu ra ổn định, sự mạnh dạn của anh Giàng A Cheo đã được đền đáp xứng đáng. Anh Cheo đã trả được một nửa số nợ. Còn 75 triệu nợ ngân hàng, anh dự định đầu năm tới sẽ trả hết. Hết nợ, anh sẽ vươn lên làm giàu.
Hoài Anh
Nguồn: Báo Yên Bái