Một số vấn đề về Cúm gia cầm A/H5N6

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Cách nhận biết và “đường đi” của bệnh Cúm gia cầm A/H5N6?

Trả lời

CGC A/H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm type A, subtype H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như: gà, vịt, ngan, bồ câu, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt, CGC H5N6 có thể lây sang người gây tử vong.

Bệnh lây truyền theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.

Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm, từ đó virus xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, nước uống bị nhiễm virus cúm.

Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nuôi, quần áo, phương tiện vận chuyển… bị nhiễm virus cúm.

Đặc biệt, bệnh CGC A/H5N6 có thể lây qua không khí làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh (virus phát tán vào không khí và gia cầm hít phải sẽ có nguy cơ phát bệnh cao).

 

Cách nhận biết:

Gia cầm bị bệnh cúm A/H5N6, tùy theo độc lực virus và sức đề kháng của đàn gia cầm mà có các triệu chứng lâm sàng, bệnh tích khác nhau.

Gia cầm mắc bệnh với thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 – 3 ngày và có các biểu hiện đặc trưng: Chết đột ngột hàng loạt, mệt mỏi, nằm tụ thành từng đám; ho, sổ mũi, hắt hơi, thở khò khè, chảy nhiều nước mắt, sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt da chân xuất huyết tím thành vệt; ỉa chảy nặng, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh; ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt.

Khi mổ khám gia cầm bệnh thấy: Xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.

Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích của bệnh CGC rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác nhất là bệnh Newcastle, Gumboro (đối với gà) hoặc Dịch tả vịt. Do vậy, người chăn nuôi khi thấy gia cầm, thủy cầm nuôi bị bệnh chết nhanh, tỷ lệ chết cao cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để phối hợp chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm xác định chính xác bệnh nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *