(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Một số giống ngỗng thịt ở nước ta?
(Câu hỏi của Nguyễn Linh, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang)
Trả lời:
Ngỗng cỏ: Còn được gọi là ngỗng sen, đã được nuôi rất lâu đời ở nước ta. Tổ tiên của chúng là giống ngỗng trời, cư trú ở vùng Siberia và miền Bắc Trung Quốc. Ngỗng cỏ được nuôi nhiều ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ; ngỗng cỏ có 2 loại hình chính là xám và trắng. Ngỗng xám có số lượng nhiều và tầm vóc to lớn hơn ngỗng trắng. Ngoài ra, có ngỗng loang xám – trắng do sự pha tạp giữa hai loại trên.
Ngỗng lai: Ngỗng lai là sản phẩm phổ thông của loài ngỗng, được nhiều hộ đầu tư chăn nuôi. Các nhà hàng nhỏ và vừa thường chọn nhập thịt dòng sản phẩm ngỗng lai để làm thực đơn. Sản lượng ngỗng lai thành phẩm hiện nay vẫn còn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hiện nay của thị trường. Ngỗng lai khi trưởng thành có trọng lượng khoảng 4 – 4,5 kg/con. Thời gian nuôi khoảng 4 tháng là có thể xuất chuồng
Ngỗng sư tử: Có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đưa vào nước ta từ rất lâu và đến nay nó gần như một giống nội, nhưng cho sản lượng thịt cao hơn hẳn ngỗng cỏ. Tuy vậy, ngỗng sư tử ở Việt Nam đã bị pha tạp nhiều. Chúng thích hợp với phương thức chăn thả trên đồng bãi như ngỗng cỏ.
Ngỗng Reinland: Là giống ngỗng nhà có nguồn gốc từ vùng Reinland của nước Đức, hiện nay được nuôi rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới do có nhiều ưu điểm. Ngỗng Reinland có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống chuyên thịt. Thân nở, đầu to, mỏ ngắn và khỏe, có màu vàng da cam; mắt có màu xanh, mí mắt viền vàng sẫm, đầu không có mào như một số khác; cổ to hơn, hơi ngắn.