Đưa gà H’mông xuống núi

Đang là kỹ sư chế tạo máy ở một công ty lớn, anh Võ Hồng Long (thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam) quyết định trở về quê làm trang trại nuôi gà H’mông và bước đầu gặt hái những thành công.

Từ thử nghiệm đến làm thật

Là một kỹ sư cơ khí, nhưng anh Long lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Ngoài giờ làm tại công ty, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi để trồng cây và chăn nuôi. Quá trình mày mò, nghiên cứu, anh biết đến gà H’mông, một giống gà quý có nguồn gốc ở miền núi phía bắc giàu giá trị dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.

Vừa tò mò, vừa muốn thử thách bản thân, anh Long tìm mua khoảng 200 con giống, nuôi thử nghiệm. Tuy quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật bài bản, khoa học nên đàn gà phát triển tốt. Khi xuất bán gà, anh Long nhận được tín hiệu rất tích cực từ thị trường và đánh giá phản hồi chất lượng từ người tiêu dùng.

Với tinh thần tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm và quan niệm “cho đi là còn mãi”, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, dù còn nhiều khó khăn nhưng anh Long đã thực hiện chương trình trích 5 nghìn đồng/sản phẩm xuất bán của trang trại để gây quỹ từ thiện. Đến nay, trang trại Gavilo đã thực hiện được 2 đợt thiện nguyện tại xã Bình An (Thăng Bình) và quê nhà thôn Quý Bình, xã Tam Xuân 1 với tổng giá trị gần 7 triệu đồng.

Gavilo

Các thành viên Gavilo thực hiện chuyến thiện nguyện từ quỹ từ thiện trích 5 nghìn đồng/sản phẩm bán ra. Ảnh: K.L

Sẵn “máu” kinh doanh trong người, anh quyết định xin nghỉ việc ở công ty, về quê lập trang trại Gavilo có diện tích 400m2, đầu tư trang thiết bị, xác định mục tiêu công việc theo hướng chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài. Chỉ sau 9 tháng khởi nghiệp, sản lượng gà tăng trưởng rất nhanh, từ 200 con ban đầu lên hơn 3.000 con.

Hiện mỗi tháng, cơ sở anh Long cung cấp hơn 1.000 con gà thịt cho các nhà hàng, quán ăn, với giá bình quân 135 – 145 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ không chỉ ở trên địa bàn tỉnh mà mở rộng ra nhiều nơi khác như Quảng Ngãi, Đà Nẵng…

Không dừng lại ở đó, anh Long còn liên kết với 4 hộ dân địa phương để chăn nuôi gà, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ngoài gà thịt thương phẩm, anh còn mày mò nghiên cứu chế biến thêm sản phẩm gà H’mông gác bếp, theo công thức đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Bắc. May mắn, sản phẩm cũng được người dùng rất ưa chuộng.

Theo anh Long, gà H’mông là loại gà rất giàu dinh dưỡng, thơm ngon mềm ngọt, xương lại nhỏ, đặc biệt, thịt gà ít mỡ, săn chắc nên không gây cảm giác béo ngấy cho người dùng. Nhờ những ưu thế như vậy, nên mặc dù là sản phẩm mới nhưng được người tiêu dùng đón nhận.

Gà H’mông gác bếp

Gà H’mông gác bếp, là sản phẩm mới của trang trại Gavilo nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: K.L

“Mình tận dụng nguồn thức ăn nông nghiệp của ba mẹ làm ra để cung cấp cho trang trại nên hạn chế được tối đa chi phí sản xuất. Nhờ thế, giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn gần bằng 1/2 thị trường. Đây là lợi thế để gà H’mông Gavilo từng bước tiếp cận, mở rộng thị trường và khẳng định được thương hiệu như hiện nay” – anh Long chia sẻ.

Chuyên nghiệp hóa sản xuất và bán hàng

Để nuôi thành công giống gà đặc sản vốn đã quen với môi trường tự nhiên ở các bản vùng cao phía bắc trong môi trường nắng nóng nhiều ở khu vực miền Trung, anh Long đã bỏ nhiều công chăm sóc, thuần dưỡng.

Theo đó, chuồng trại được anh Long đầu tư xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, đảm bảo cân bằng nhiệt độ và độ ẩm theo mùa. Nền trại được rải một lớp đệm lót sinh học đồng thời cho uống vắc xin định kỳ nên hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh.

“Tụi mình luôn tìm tòi và thử nghiệm mọi phương án để tăng chất lượng thịt gà như nuôi dế hay chọn thóc mầm, bánh dầu mè để làm thức ăn cho gà. Phương án nào có tín hiệu tốt thì triển khai hàng loạt, chưa phù hợp thì linh động thay đổi, đích đến cuối cùng là chất lượng sản phẩm vừa an toàn vừa ngon ngọt đến tay người tiêu dùng” – anh Long chia sẻ.

Theo anh Long, yếu tố giúp trang trại Gavilo đạt được thành công chỉ sau thời gian ngắn khởi nghiệp không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm mà còn ở cách anh tiếp cận thị trường.

Song song với phương pháp truyền thống, phân phối sản phẩm tại các chợ, nhà hàng, quán ăn, anh còn xây dựng cho mình các kênh bán hàng online thông qua mạng xã hội facebook và tiktok để dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Mỗi tỉnh thành có một người phụ trách kênh bán hàng, phân phối cho các đầu mối.

Hiện tại Gavilo có tổng 10 nhân sự. Tất cả đều làm việc chuyên nghiệp, đảm bảo đầy đủ các khâu từ tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm đến tư vấn, trả lời phản hồi của khách trong thời gian sớm nhất. Cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm, sẵn sàng đổi trả nếu khách hàng nhận sản phẩm kém chất lượng hoặc hư hỏng do quá trình vận chuyển.

“Thời gian tới, mình mong muốn tiếp cận đến các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay Tiki để giới thiệu và “ship” bán rộng rãi sản phẩm gà H’mông gác bếp, từ đó phát triển mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, tiến tới đa dạng hóa sản phẩm.

Đồng thời liên kết nhiều hơn nữa các hộ dân trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi, đồng hành với các thanh niên khác trong quá trình lập nghiệp, tạo việc làm cho bà con quê hương…” – anh Long chia sẻ.

 Kiều Ly

Nguồn: Báo Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *