(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Hội nghị do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì, cùng dự có lãnh đạo Cục Thú y, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc tại tỉnh Đồng Tháp ngày 14/9. Ảnh: Cục Thú y
Nỗ lực để xuất khẩu cá sấu và khỉ nuôi
Theo báo cáo của Cục Thú y, tại Việt Nam, việc gây nuôi cá sấu nước ngọt được bắt đầu từ những năm 1980, đến nay đã trở nên phổ biến ở các tỉnh phía nam, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… Khu vực này hiện có hơn 2.000 trại nuôi cá sấu, chủ yếu quy mô nhỏ (vài chục đến vài trăm con/trại) và mới chỉ có một số ít trại nuôi đăng ký theo quy định của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Theo số liệu của Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam, cả nước mới có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá sấu.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu cá sấu sông của Việt Nam. Theo phân tích của Hiệp hội Bò sát, lưỡng cư Việt Nam, mẫu vật cá sấu nước ngọt xuất khẩu bao gồm cá sấu sống xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm tới 99%) và da muối (chiếm 29% sản lượng), còn lại xuất đi các nước Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc EU. Năng lực xuất khẩu của các trại được CITES cấp phép tại khu vực Nam bộ là hơn 114.000 cá sấu sống, song mới chỉ xuất được khoảng 32.800 con do Hải quan Trung Quốc không cho nhập cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả đã được cấp Giấy phép CITES.
Theo số liệu của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, từ năm 2022 đến nay, cá sấu sống của Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản với mục đích làm hàng mẫu với số lượng là 40 con (năm 2022 là 20 con và 2023 là 20 con). Việc Trung Quốc ký Nghị định thư đồng ý nhập khẩu chính ngạch cá sấu nuôi sẽ giúp đầu ra của ngành nuôi cá sấu Việt Nam ổn định. Ngoài các quy định về kiểm dịch động vật, việc xuất khẩu cá sấu còn được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES. Do đó, khi xuất khẩu cá sấu sống, da hay các sản phẩm từ cá sấu phải tuân theo những quy định của CITES và phải có giấy phép CITES.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một số giống khỉ đang được chăn nuôi phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Việc nuôi dưỡng, phát triển đàn khỉ có tầm quan trọng đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ứng dụng được trong sản xuất vaccine và làm đối tượng thử nghiệm nghiên cứu nhiều đề tài khoa học. Khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước được các tổ chức, cá nhân khai báo với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học. Theo số liệu của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, số lượng khi sống xuất khẩu từ năm 2022 đến hết tháng 7/2024 là 18.711 con, chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc xây dựng, đàm phán, thống nhất và ký được các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, việc xuất khẩu khỉ và cá sấu sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao…
Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường
Tại hội nghị lần này, các đại biểu được nghe báo cáo và hướng dẫn triển khai các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc; các giải pháp quản lý chăn nuôi khỉ, cá sấu; quy định của CITES liên quan đến điều kiện nuôi và xuất khẩu…
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu với khoảng 190.000 cá thể. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) được cấp Giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu với trên 177.000 cá thể. Đối với 35 hộ còn lại chủ yếu nuôi thuần dưỡng con non, xuất bán cho các hộ khác tiếp tục gây nuôi thương phẩm, không nuôi sinh sản.
Để ngành hàng cá sấu của tỉnh phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu thủ tục, tổ chức xét nghiệm các loại dịch bệnh theo yêu cầu xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc dựa trên quy định của Nghị định thư. Đồng thời, tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu. Điều này sẽ hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm phát triển, giúp bảo vệ thương hiệu, nâng tầm giá trị doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cục Thú y
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng và lợi thế lớn trong nuôi cá sấu. Trong đó, tại tỉnh Đồng Tháp, phong trào nuôi cá sấu phát triển tốt. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi khỉ và cá sấu; đồng thời, kiểm tra, lựa chọn cá thể có nguồn giống tốt nhằm nâng cao giá trị vật nuôi.
Bên cạnh đó, cần tập trung ban hành văn bản pháp luật sát với thực tiễn cho ngành nuôi khỉ và cá sấu; thực hiện việc chăn nuôi theo hướng đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải chủ động liên hệ đối tác để mở rộng hướng xuất khẩu khỉ và cá sấu. Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung phát triển ngành chăn nuôi khỉ và cá sấu…
Thùy Khánh