(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi là một mắt xích quan trọng trong hệ thống nông nghiệp thực phẩm toàn cầu. Lĩnh vực này cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, sinh kế và thu nhập cho hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với một số thách thức phức tạp và vấp phải chỉ trích ở nhiều khía cạnh khác nhau, gồm suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học và tác động lên biến đổi khí hậu.
Với tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu dự kiến gần 10 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ động vật như thịt, trứng và sữa sẽ tăng 20% trong thời gian đó. Chăn nuôi bền vững gồm các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi để sản xuất thực phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Chăn nuôi bền vững thúc đẩy tính sẵn sàng trong dài hạn của hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế, và góp phần tạo ra một tương lai bền vững và linh hoạt hơn. Chăn nuôi bền vững cũng giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sau cùng, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển vùng nông thôn.
Để tăng năng suất chăn nuôi đồng thời giảm thiểu tác động của ngành này lên môi trường, trước tiên chúng ta phải ưu tiên nâng cao hiệu quả của các hệ thống chăn nuôi. Một số giải pháp cụ thể gồm: tối ưu hóa biến đổi thức ăn, giảm lãng phí thức ăn, cải thiện hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng, giảm thiểu suy thoái đất, tài nguyên nước và môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, cần ưu tiên áp dụng các phương thức chăn nuôi và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quản lý chất thải chăn nuôi hiệu quả cũng là giải pháp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, kết hợp trồng cây xanh trong các cơ sở chăn nuôi thông qua hệ thống nông – lâm nghiệp sinh thái có thể mang lại nhiều lợi ích. Đây là hệ thống kết hợp trồng cây xanh lấy bóng mát, cây làm thức ăn chăn nuôi với chăn nuôi động vật để thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng cường khả năng cô lập carbon.
Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đang phải đối mặt nhiều thách thức và cần nhiều sự trợ giúp hơn từ phía chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. Cơ hội tiếp cận với tài nguyên đất, nước… của các hộ chăn nuôi nhỏ cũng khá hạn chế. Do đó, họ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và tăng năng suất, nâng cấp cơ sở hạ tầng hoặc áp dụng công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ không có cơ hội tiếp cận khóa đào tạo và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật thiết yếu nên họ không có khả năng quản lý chăn nuôi theo phương pháp hiện đại và bền vững, dẫn đến năng suất thấp và hoạt động kém hiệu quả. Để giải quyết những thách thức của hộ chăn nuôi nhỏ đang phải đối mặt, các chính phủ cần phải có biện pháp can thiệp toàn diện, gồm cải thiện khả năng tiếp cận vốn, kỹ thuật, tăng cường kết nối thị trường và nâng cao khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ thú y.
Thanawat Tiensin
Giám đốc quản lý chăn nuôi và thú y, FAO