Nuôi con đặc sản đang là hướng đi mới được nhiều nông dân lựa chọn để thay đổi mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ nắm bắt được nhu cầu của thị trường và tìm hiểu được mô hình nuôi chồn hương, ông Đào Phan Tuấn, thôn 2, xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn đã chuyển đổi sang mô hình nuôi chồn hương đem lại giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, nuôi con đặc sản được các hộ nông dân quan tâm và đầu tư chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cao cho hộ gia đình. Với mong muốn tìm cho mình một con nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều năm qua ông Đào Phan Tuấn đã bỏ nhiều công sức, tiền của đi nhiều nơi, tìm kiếm nhiều mô hình chăn nuôi để áp dụng cho chính hộ gia đình mình. Sau một thời gian tìm kiếm, mô hình nuôi chồn hương của hộ gia đình ở Miền Tây được ông lựa chọn, vì ông nhận thấy mô hình nuôi chồn hương này sẽ là con nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Trên thực tế, nuôi chồn hương đối với các tỉnh phía ngoài hiện nay người dân nuôi chưa nhiều, mà thị trường tiêu thụ lại rất lớn.
Chủ tịch Hội nông dân xã Thọ Tân thăm mô hình nuôi chồn hương của gia đình ông Tuấn
Năm 2022, ông bàn với gia đình và quyết định đầu tư vào mô hình nuôi chồn hương. Ông tiến hành xin cấp phép, xây dựng chuồng trại với số vốn ban đầu bỏ ra hơn 5 tỷ đồng, số vốn này được ông tích luỹ sau nhiều năm đi làm ăn xa, phần khác ông vay thêm anh em, bạn bè. Ban đầu ông đầu tư xây dựng tạm 2 khu, các ô nuôi đều được làm bằng khung sắt rất chắc chắn với tổng số 200 con giống.
Tại khu chuồng nuôi chồn hương sinh sản, những con mẹ được ông thuần hoá
Ông Tuấn chia sẻ thêm: Với những kinh nghiệm của bản thân và học hỏi thêm từ những người đi trước về kỹ thuật thuần hoá, kỹ thuật chăm sóc, cách xử lý khi bị bệnh, đến thức ăn… được ông tìm hiểu cẩn thận. Có những thời điểm ông phải ra Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thêm về quy trình chăm sóc và cách phòng chống bệnh cho loại động vật này. Nuôi chồn hương không khó, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần hiểu được quy trình chăm sóc, cách phòng chống bệnh tật. Chồn hương là vật ăn tạp, chi phí thức ăn của một con chồn hương không quá 3.000 đồng/ ngày/con.
Có thể thấy sau hơn 1 năm đầu tư vào mô hình nuôi chồn hương, hiện trang trại của ông đã có 500 con chồn hương. Ông đã xây đựng thêm 6 khu chuồng, mỗi khu nuôi có thể tới 250 đôi được ông nhân giống tiếp. Mỗi năm chồn hương đẻ 2 lứa, mỗi lứa sinh được từ 3-4 con với giá bán từ 12- 45 triệu đồng/ 1 cặp tùy theo độ tuổi, trung bình mỗi tháng trang trại của ông bán được 40-50 cặp chồn hương giống cho các trang trại trong cả nước. Mục tiêu của gia đình là sẽ tiếp tục nhân giống đến 1.000 con giống chồn hương, nâng tổng số trên 700 con mẹ với quy mô chuồng trại rộng hơn. Trừ chi phí, thu nhập từ mô hình nuôi chồn hương của gia đình ông thu lời hơn 5 tỷ đồng/ năm, tạo được công ăn việc làm ổn định cho gia đình, mặt khác còn tạo được việc làm ổn định cho 3 lao động với mức lương 7 triệu đồng/ người/ tháng.
Những con chồn hương con khi sinh ra được chồn hương mẹ bảo vệ rất cẩn thận
Ông Lê Đình Thương, Chủ tịch UBND xã Thọ Tân, chia sẻ thêm: Mô hình nuôi chồn hương của hộ gia đình anh Đào Phan Tuấn đã thấy được hiệu quả đem lại là rất lớn, cần nhân rộng mô hình hơn nữa; và cũng cần sự hỗ trợ từ phía hộ gia đình ông Tuấn về con giống và kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn xã có nhu cầu. Xã tiếp tục khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển nhiều mô hình phát triển kinh tế, phối hợp với Ngân hàng để các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, mở rộng quỹ đất. Tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân ổn định cuộc sống.
Bảo Thanh
Nguồn: Báo Thanh Hóa