Đến thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Toàn Phát, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thật ấn tượng bởi hàng trăm con bò béo tốt được nuôi nhốt trong hệ thống chuồng trại kiên cố trên lớp đệm lót sinh học. Mặc dù nuôi với số lượng lớn, nhưng khu vực nuôi nhốt vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây mùi hôi từ chất thải.
Anh Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát, chia sẻ: Nuôi bò sinh sản nhốt chuồng là hình thức hoàn toàn mới, trên địa bàn huyện chưa có nơi nào thực hiện. Do đó, ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã xác định muốn thành công, phải đầu tư từ kỹ thuật, con giống, nguồn thức ăn, đến hệ thống chuồng trại. Được sự hỗ trợ của huyện về vốn, tạo điều kiện tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tìm nguồn con giống từ các cơ sở chất lượng, chúng tôi được tiếp thêm động lực, tự tin để triển khai mô hình nuôi bò nhốt chuồng sinh sản từ tháng 9/2020 với quy mô 60 con bò cái giống lai sind, brahman. Trong tổng kinh phí 7 tỷ đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, Nhà nước đã hỗ trợ 1,57 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm, bò bắt đầu sinh sản, mỗi năm bò đẻ 1 lứa, giá bán bê con từ 15 – 20 triệu đồng/con.
Mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng của HTX Toàn Phát.
Là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng trên nền đệm lót sinh học ở Sông Mã, khu nuôi bò của HTX Toàn Phát được xây dựng kiên cố với tổng diện tích 3.000 m², chia thành 10 chuồng riêng biệt, mỗi chuồng rộng 200 m². Đến nay, đàn bò của HTX đã tăng lên hơn 100 con cái và đã sinh sản hơn 30 con bê. Với hơn 5,5 ha cỏ voi giống VA06 và cỏ voi xanh, nên nguồn thức ăn cho đàn bò của HTX được đảm bảo về số lượng và chất lượng, cỏ sau khi được cắt về sẽ đưa vào các máy thái tự động trước khi cho bò ăn, trung bình đàn bò tiêu thụ khoảng 3 tấn cỏ/ngày. Để đảm bảo sức khỏe và sinh trưởng của đàn bò, HTX đã thuê bác sỹ thú y vừa theo dõi chăm sóc đàn bò, vừa hướng dẫn các thành viên, người lao động của HTX cách phòng bệnh cho bò.
Giám đốc HTX Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm: Hàng ngày, chất thải từ đàn bò rất lớn, nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, việc làm đệm lót sinh học chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt giúp ức chế, tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm, tăng khả năng kháng bệnh cho bò. Hình thức chăn nuôi này sẽ tiết kiệm được nước bởi không cần dùng nước để rửa chuồng, nước ở đây chỉ dùng để phun tạo độ ẩm nền chuồng giúp chuồng nuôi không còn mùi hôi.
Gắn bó với HTX từ những ngày đầu mới triển khai mô hình, anh Vì Văn Xịch, công nhân HTX chia sẻ: Đối với đệm lót sinh học, mỗi ngày chúng tôi chỉ cần 1 – 2 giờ để san, đảo đều chất thải trên bề mặt đệm lót. Do đó, chuồng trại rất khô ráo và không có mùi hôi, đảm bảo sức khỏe cho công nhân; tình trạng ruồi muỗi ký sinh trên bò và ở trong chuồng trại cũng giảm trên 90%.
Ngoài những ưu điểm trên, mô hình đệm lót sinh học còn rất dễ dàng triển khai bởi nguyên liệu làm đệm lót sinh học chủ yếu sử dụng bằng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương, như trấu, lõi ngô, vỏ lạc, mùn cưa kết hợp với sử dụng chế phẩm EM phun đều lên nguyên liệu, sau đó đậy kín bề mặt trong 1 tuần để đệm lót lên men vi sinh là có thể sử dụng. Sau khoảng 6 tháng sử dụng, nền đệm lót sẽ được thay mới, phần đệm lót đã sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Năm 2021, HTX đã xuất bán được 100 tấn phân bón từ chất thải chăn nuôi cho người dân trong vùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, đánh giá: Mô hình nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học của HTX Toàn Phát bước đầu đã phát huy hiệu quả. Đây sẽ là nguồn cung cấp bê con chất lượng cao cho bà con trong vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo định hướng của huyện.
Hiện, HTX Toàn Phát đang tập trung chăm sóc đàn bò sinh sản và bê con, dự kiến đến tháng 5/2022, HTX sẽ xuất bán những lứa bê giống đầu tiên để người dân trên địa bàn đưa vào nuôi tại gia đình, góp phần thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc ngày một phát triển.
Duy Tùng