Long An: Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Thời điểm hiện tại, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An đang tái đàn để phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm. Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) bùng phát cao, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại cho người dân.

Nguy cơ bùng dịch cao

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Huỳnh Thị Kim Phượng, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn GSGC đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Từ nay đến cuối năm, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất lợi với những đợt không khí lạnh vào buổi chiều tối và đêm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

Mặt khác, người dân có nhu cầu tăng đàn phục vụ thị trường cuối năm, nhưng phần lớn các hộ chăn nuôi vẫn chưa bảo đảm điều kiện về an toàn sinh học cũng như tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. “Việc vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh dịp cuối năm sẽ tăng cao và khó kiểm soát nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất lớn” – bà Phượng nhận định.

tiêm phòng cho gà

Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho gia súc,gia cầm (Ảnh tư liệu)

Ông Lê Tuấn Hùng (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) cho biết: “Trang trại của gia đình tôi đang nuôi 3.000 con gà thịt. Trước thông tin dự báo thời tiết từ nay đến cuối năm có nhiều diễn biến bất thường, tôi đang theo dõi chặt chẽ để đàn vật nuôi phát triển tốt, tránh xảy ra dịch bệnh”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhỏ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, trang trại của gia đình bà bị thiệt hại hàng chục triệu đồng do đàn GC mắc bệnh cúm. Hiện tại, trang trại nuôi 3.000 con gà và gia đình bà rất lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong điều kiện độ ẩm cao như hiện nay.

Tại huyện Cần Giuộc, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên GSGC cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, do giáp ranh với huyện Cần Đước, địa phương đang xảy ra dịch tả heo châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nên ngành Nông nghiệp huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.

Trưởng phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc – Ngô Bảo Quốc thông tin: “Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện tích cực tái đàn để phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Trước những yếu tố bất lợi của thời tiết, ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung triển khai tiêm phòng bao vây và phun thuốc tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2021 để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC của huyện”.

vệ sinh chuồng nuôi

Người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Hiện tổng đàn GS của huyện Cần Giuộc khoảng 4.500 con, trong đó, đàn heo trên 1.900 con; đàn GC hơn 490.000 con. Anh Phạm Ngọc Ba (ấp Phước Hưng 2, xã Phước Lâm) đang nuôi khoảng 2.700 con gà thịt.

Anh cho biết: “Đàn gà của gia đình tôi đã gần 3,5 tháng tuổi, đang chuẩn bị xuất bán. Tuy nhiên, hiện nay, giá gà thương phẩm khá thấp, chỉ từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao nên gia đình tôi đang xem xét việc giảm đàn”.

Cũng theo anh Ba, hiện nay, giá thức ăn cho gà tăng gần 60.000 đồng/bao (25 kg) so với 4 tháng trước, thuốc thú y, vắc-xin cũng tăng khoảng 10%, nâng giá thành lên khoảng 105.000 đồng/con gà. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi sẽ khó có lãi.

Còn tại huyện Đức Hòa, địa phương có số lượng đàn bò lớn của tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục cũng được tích cực triển khai. Ông Huỳnh Tiến Khoa (ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông) chia sẻ: “Tôi nuôi bò đã gần 8 năm, hiện đàn bò trong chuồng là 37 con.

Từkhi có thông tin xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, tôi chủ động liên hệ thú y huyện để tiêm phòng cho đàn bò. Bên cạnh đó, tôi cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi 2 ngày/lần”.

Từ đầu năm đến nay, huyện Vĩnh Hưng đã tổ chức tiêm gần 292.000 liều vắc-xin cho đàn vật nuôi. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng – Huỳnh Văn Lâm cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp huyện đã kiểm dịch động vật gần 19.600 con GS và 36.100 con GC; kiểm soát giết mổ gần 9.700 con GS.

Riêng công tác khử trùng, tiêu độc, đã phun 389 lít hóa chất tại các hộ chăn nuôi. Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần chủ động trong việc tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra”.

 

Tích cực phòng, chống dịch bệnh

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có trên 89.000 con heo, gần 120.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con GC. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm GC xảy ra tại 1 hộ ở huyện Thạnh Hóa, tổng số GC tiêu hủy 91 con; dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 44 hộ thuộc 24 xã, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố, tổng số heo tiêu hủy 1.118 con; dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 373 hộ thuộc 132 ấp, 62 xã, 12 huyện với tổng số con bệnh là 697 con, trong đó chết và tiêu hủy 191 con; bệnh dại trên động vật xảy ra 2 ổ tại 2 xã, 2 huyện: Bến Lức, Tân Hưng, với tổng số tiêu hủy 2 con.

khử trùng chuồng nuôi

Tăng cường tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước – Nguyễn Hồng Chương cho biết: Cần Đước là địa phương có tổng đàn GSGC lớn nên huyện chủ động yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC đến tất cả hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi và người dân trên địa bàn.

Song song đó, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh như không chủ động khai báo với cơ quan chức năng, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường,…

“Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tăng cường quản lý việc vận chuyển GSGC trên địa bàn; đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, buôn bán GSGC không rõ nguồn gốc cũng như kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC đến người dân với phương châm “phòng dịch hơn chống dịch”” – ông Chương cho biết thêm.

nuôi gà

Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện bệnh kịp thời

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú Y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh, trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn GSGC tái phát, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng ngừa dịch bệnh,… Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với chỉ đạo của tỉnh.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc-xin và phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho đàn GSGC đợt 2 năm 2021, phấn đấu đạt hơn 80% tổng đàn; thực hiện các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở để phát hiện, xử lý kịp thời khi phát sinh ổ dịch; đồng thời, tăng cường các giải pháp kiểm dịch và kiểm soát việc vận chuyển GSGC ra, vào địa phương”.

Tập trung phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang hướng đến nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới./.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc-xin và phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho đàn GSGC đợt 2 năm 2021, phấn đấu đạt hơn 80% tổng đàn; thực hiện các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở để phát hiện, xử lý kịp thời khi phát sinh ổ dịch; đồng thời, tăng cường các giải pháp kiểm dịch và kiểm soát việc vận chuyển GSGC ra, vào địa phương”.

Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An

Bùi Tùng

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *