Long An: Người chăn nuôi tái đàn phục vụ thị trường tết

Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tất bật tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) để chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, do năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm nên người nuôi thận trọng trong việc đầu tư tái đàn, tăng đàn.

Thận trọng đầu tư tái đàn

Theo ghi nhận, vụ chăn nuôi tết năm nay, không ít người chăn nuôi gà thịt ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước giảm quy mô đàn hoặc “treo chuồng” sau thời gian dài chăn nuôi không có lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Khi (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) vừa bán 5.000 con gà với giá 50.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với năm trước. Hiện số lượng gà tại trang trại của ông Khi giảm từ 13.000 con xuống còn khoảng 6.000 con.

“Giá thức ăn, thuốc thú y, gà con đều tăng cao trong khi giá gà bán ra quá thấp nên gia đình tôi không có lợi nhuận. Do đó, gia đình tôi quyết định giảm đàn, chờ giá thị trường phục hồi mới tính đến chuyện tăng đàn trở lại” – ông Khi chia sẻ.

Gia đình ông Lê Ngọc Tài (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) quyết định không tăng đàn phục vụ thị trường tết năm nay. Hiện trang trại của ông có hơn 5.000 con gà thịt và lứa gà này sẽ được xuất bán trước tết.

Ông Tài cho biết: “Để hạn chế những rủi ro về dịch bệnh và giá cả thị trường trong dịp tết năm nay, gia đình tôi quyết định không tăng đàn, chỉ tập trung chăm sóc đàn gà hiện có. Dự kiến, đàn gà của gia đình tôi sẽ xuất bán vào đầu tháng 12/2024”.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, trong khi các hộ chăn nuôi gà nhỏ, lẻ gặp khó khăn thì các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh lại phát triển mạnh. Số lượng GC tăng 15,5% trong 9 tháng năm 2024, chủ yếu từ các trang trại gà quy mô lớn tại huyện Thạnh Hóa. Hiện tổng đàn GC toàn tỉnh khoảng 10,3 triệu con.

Nhiều người nuôi heo trên địa bàn tỉnh cho biết, giá heo hơi hiện ở mức cao, dao động từ 64.000 – 66.000 đồng/kg. Với giá bán này, người chăn nuôi đang có lợi nhuận. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã và đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

chăn nuôi Long An

Giá heo hơi đang ở mức cao, người chăn nuôi đang tích cực tái đàn phục vụ thị trường tết

Gia đình anh Đinh Văn Huy (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) vừa xuất bán hơn 20 con heo thịt và tái đàn với số lượng 30 con heo, trong đó có 25 con heo để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo anh Huy, với giá heo như hiện tại, trung bình mỗi con heo sau khi xuất bán, người nuôi sẽ có lợi nhuận từ 1,5 – 1,7 triệu đồng.

Cũng theo anh Huy, nuôi heo vụ tết, thời tiết thường lạnh, nhiều mưa, bão nên công tác phòng dịch được anh ưu tiên hàng đầu. Trước khi tái đàn, anh phun xịt khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh.

“Hiện nay, tôi không lo về giá cả thị trường mà lo nhất là dịch bệnh nên phòng dịch, an toàn sinh học luôn được tôi chú ý hàng đầu. Một tuần tôi sát khuẩn chuồng trại 3 lần, thường xuyên vệ sinh, tắm sạch sẽ cho đàn heo” – anh Huy cho biết.

>> Toàn tỉnh hiện có khoảng 87.000 con heo, giảm 14,17% so cùng kỳ; khoảng 10,3 triệu con gia cầm các loại, tăng 5,1% so cùng kỳ; khoảng 106.000 con bò, giảm 5,36% so cùng kỳ và khoảng 4.900 con trâu, giảm 13,27% so cùng kỳ.

Để chăn nuôi hiệu quả

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh trên đàn GSGC ở các địa phương trong tỉnh được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt heo, gà những tháng trở lại đây tăng cao so với trước. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp tết sắp tới.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Kinh Kha, những tháng cuối năm 2024, thời tiết thường diễn biến thất thường nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi dẫn đến sức đề kháng kém, dễ bị các loại virút tấn công, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, huyện phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh cho GSGC.

“Ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại;… Khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng” – ông Nguyễn Kinh Kha cho biết.

chăn nuôi Long An

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin trên GSGC được tập trung thực hiện. Dịch bệnh trên GSGC trong 10 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện ổ dịch nhỏ, lẻ và được khống chế kịp thời, không lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi cũng như tái đàn vật nuôi và tiêu thụ GSGC của tỉnh.

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 47 hộ thuộc 25 xã của 8 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Bến Lức với tổng số lượng tiêu hủy 1.406 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 75.347,9 kg; bệnh dại xảy ra 10 trường hợp trên chó tại 9 xã của các huyện: Đức Hòa, Tân Hưng, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.

Ngoài ra, ở người ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại/nghi dại tại thị trấn Tân Hưng, xã Hưng Điền và Hưng Điền B, huyện Tân Hưng; dịch cúm GC H5N1 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa với tổng số GC tiêu hủy 2.010 con; dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 20 hộ ở huyện Mộc Hóa trên tổng đàn 55 con bò, bệnh 44 con, chết 0 con.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh, để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả khi tái đàn, tăng đàn, ngành chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học.

Đồng thời, ngành khuyến cáo người chăn nuôi lựa chọn con giống tái đàn có nguồn gốc rõ ràng; được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan chuyên môn; có giấy chứng nhận kiểm dịch; kê khai tổng đàn vật nuôi cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương và khử trùng chuồng trại trước khi đưa con vật vào nuôi.

Cùng với đó, người chăn nuôi cần cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; bổ sung vitamin, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng dịch bệnh trên đàn GSGC. Đặc biệt, người chăn nuôi cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

“Nhằm bảo đảm việc tái đàn mang lại hiệu quả cao, người chăn nuôi cần cập nhật liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như nhập con giống rõ nguồn gốc, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; không nên tăng đàn ồ ạt; thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Đồng thời, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để bảo vệ tốt đàn vật nuôi” – bà Đinh Thị Phương Khanh khuyến cáo./.

Bùi Tùng

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *