Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò gây ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh này rất lớn, nhất là trong thời điểm giao mùa. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y vùng VI, từ tháng 6/2021 đến nay, dịch bệnh VDNC xuất hiện tại các tỉnh giáp ranh và lân cận Long An, có nguy cơ lây lan nhanh, mạnh. Hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại 5 hộ chăn nuôi bò thuộc 4 xã của huyện Tân Hưng và Đức Huệ với tổng số 6 con.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 130.000 con trâu, bò, chủ yếu được nuôi theo hướng nhỏ, lẻ. Thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do thời tiết diễn biến phức tạp. Mặt khác, hiện tại, đàn trâu, bò tại các địa phương chưa được tiêm phòng vắc-xin bệnh VDNC đồng loạt.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do ruồi, muỗi, ve, mòng,… truyền bệnh và do việc mua bán, vận chuyển gia súc có mang mầm bệnh (Ảnh tư liệu)
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ – Phạm Văn Luốc thông tin, hầu hết đàn bò trên địa bàn huyện được người dân chăn nuôi theo quy mô nông hộ nên việc quản lý tiêm phòng vắc-xin cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Để chủ động ngăn ngừa, khống chế bệnh VDNC phát sinh, người chăn nuôi cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền để áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho đàn trâu, bò.
“Vừa qua, trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh VDNC trên 5 con bò tại 4 hộ nuôi thuộc 3 xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Đông và Bình Hòa Bắc. Trong đó, có 1 con bò khoảng 4 tuổi, đang mang thai và bị VDNC với các triệu chứng: Sốt, bỏ ăn, chảy mũi, thở khó, da nổi cục, viêm sưng đường kính từ 1 – 3 cm. Ngay khi nhận được tin báo, ngành Nông nghiệp huyện đã kiểm tra, theo dõi và điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Hiện những con bò này vẫn tiếp tục được theo dõi” – ông Luốc thông tin thêm.
Còn tại huyện Vĩnh Hưng, dù chưa xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò nhưng ngành chức năng địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng – Nguyễn Huỳnh Hải cho biết, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh VDNC trên trâu, bò; khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc, kiểm soát các côn trùng truyền bệnh và tiến hành phun khử trùng, tiêu độc theo định kỳ tại khu vực chăn nuôi.
Ông Lê Văn Bình (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) nuôi hơn 40 con bò. Ông chia sẻ: “Thời gian qua, ngành chức năng thông tin nhiều về dịch bệnh VDNC trên trâu, bò. Gia đình tôi cũng nắm rõ về dịch bệnh nên tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi 2 ngày/lần và sử dụng hóa chất để diệt các loại côn trùng trung gian truyền bệnh như ruồi, ve, mòng,… mỗi tuần/lần”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền và yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò. Thực hiện tốt chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, mua bán trâu, bò phải có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, người dân cũng nên sử dụng hóa chất đặc trị để diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) định kỳ từ 7 – 10 ngày/lần; dùng vôi bột, hóa chất để khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện trâu, bò nghi ngờ bị bệnh VDNC phải báo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc trưởng ấp, khu phố để có biện pháp xử lý kịp thời.
“Để ngăn ngừa và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa bệnh VDNC trên trâu, bò, tỉnh triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò từ ngày 17/7/2021. Việc tiêm vắc-xin sẽ giúp tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, ngăn dịch bệnh VDNC phát sinh và lây lan, đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra” – bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.
Bùi Tùng
Nguồn: Báo Long An