Thời gian qua, giá thu mua lợn hơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi không dám tái đàn vì “càng nuôi càng lỗ”. Trước tình hình đó, các chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “khủng hoảng thiếu” nguồn cung thịt lợn, nhất là thời điểm cuối năm nay.
Càng nuôi càng lỗ
Năm 2021, chị Phan Thị Liên ở xã Đô Thành (Yên Thành) xuất chuồng được 5 con lợn. “Lúc đó giá lợn hơi đang cao nên mỗi con khoảng 80 kg cũng lãi được gần 1 triệu đồng. Nhưng đàn lợn 5 con còn lại được bán vào dịp tháng 3 vừa qua thì lại làm chị không thể vui vẻ nổi. “Giá lợn hơi giảm nên tôi cứ cố nuôi thêm hy vọng giá lên. Thế nhưng, không những không tăng mà giá ngày càng giảm, đến nay thì không thể cố nữa vì thức ăn thì đắt mà lợn đã đến kỳ xuất chuồng cũng không om mãi được. 5 con lợn bán ra lỗ mất gần 1 triệu đồng/con. Hiện tại, gia đình không dám tái đàn, giá con giống đắt, thức ăn đắt, mà giá lợn hơi lỡ không tăng thì thiệt hại nhiều quá”, chị Liên chán nản.
Khu chuồng trại của gia đình ông Đinh Văn Đồng ở xã Diễn Thái (Diễn Châu) đang để trống không tiếp tục tái đàn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi và giá lợn hơi đang xuống thấp. Ảnh: Phú Hương
Thời gian qua, nằm trong tình trạng chung của cả nước, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh ta giảm khá mạnh. Là doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại huyện Yên Thành, ngoài dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Thành Đô (Yên Thành) có mạng lưới 16 “vệ tinh” chăn nuôi lợn. Cộng thêm cả trang trại chính của doanh nghiệp, tổng đàn hiện có là 3.000 con lợn nái, 30.000 con lợn thịt, mỗi ngày xuất bán khoảng 200 con, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn Nghệ An, Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Thời gian qua, giá lợn hơi giảm mạnh, có thời điểm xuống tới 43.000 đồng/kg; cách đây 1 tháng, giá lên được 47.000 đồng và 3 ngày qua đã nhỉnh lên được mức giá 50.000 đồng/kg. “Do chúng tôi nuôi theo chuỗi, khép kín, thức ăn được sản xuất tại doanh nghiệp nên giá thành mỗi kg lợn hơi giảm mạnh, chỉ ở mức 42.000 – 43.000 đồng/kg, nên mặc dù giá thu mua thấp, doanh nghiệp vẫn có lãi mặc dù không đáng kể. Thế nhưng, với những trang trại, nhất là chăn nuôi nông hộ, cái gì cũng mua qua đại lý với giá cao thì giá thành mỗi kg lợn hơi cũng phải ở mức trên 50.000 đồng/kg, 1 con lợn xuất chuồng lỗ từ mấy trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng”, ông Thành chia sẻ.
Lợn được nuôi theo hình thức khép kín tại trang trại của Công ty Thành Đô (Yên Thành). Ảnh: Phú Hương
Mức tiêu thụ thấp, nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân nghỉ, tiêu thụ thịt ít hơn, trong khi nguồn cung vẫn dồi dào, không chỉ từ nguồn thịt lợn được sản xuất trong nước mà còn từ nguồn nhập khẩu trứng, thịt từ nước ngoài, được coi là nguyên nhân làm giá lợn hơi giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Nếu như năm 2020, giá thu mua lợn hơi có thời điểm lên đến 95.000 – 97.000 đồng/kg, thì hiện tại ở Nghệ An, giá bán ra giảm gần một nửa, chỉ còn ở mức 49.000 – 50.000 đồng/kg; giá lợn hơi của Công ty CP Việt Nam giảm 1.000 đồng còn 55.500 đồng/kg.
Nhiều hộ chăn nuôi gia trại nhỏ ở huyện Thanh Chương đã tìm phương cách thích ứng như đa dạng thức ăn cho lợn nhằm giảm giá thành. Ảnh: Phú Hương
Mức giá thu mua cơ bản thấp hơn giá thành sản xuất đã làm nhiều hộ chăn nuôi gần như không có lời, thậm chí thua lỗ nặng. Mới xuất bán gần 400 con lợn, ông Nguyễn Trọng Bằng ở xã Tân Phú (Tân Kỳ) lỗ tới gần 400 triệu đồng. “Nuôi được 1 con lợn, trong thời điểm giá giống, thức ăn đều đắt như hiện nay, tổng chi phí hết tầm 5,5 – 5,6 triệu đồng, trong khi bán giá 45.000 – 46.000 đồng/kg, mỗi con lợn tôi lỗ gần tới 500.000 – 800.000 đồng”. Đã đầu tư chuồng trại, có thị trường, nhưng hiện tại tôi chưa thể tái đàn.
Làm trang trại nuôi lợn từ năm 2004, lúc cao điểm nhất có hàng trăm con lợn thịt, hàng chục con lợn nái, nhưng hiện tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) chỉ còn mấy con lợn thịt để phục vụ nhu cầu của gia đình và bán cho bà con trong xóm.
Xu hướng giảm chăn nuôi nông hộ
Những năm gần đây, tổng đàn lợn của Nghệ An có xu hướng tăng nhẹ, hiện tại toàn tỉnh đang có khoảng 967.000 con lợn, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong quý I năm nay ước đạt 30.291 tấn, tăng 5,17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chiếm khoảng 60 – 70%. Với đặc điểm chăn nuôi khép kín theo hình thức trang trại tập trung mới chỉ ở mức khoảng 1/3, thì chăn nuôi lợn ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế.
Các trang trại chăn nuôi tập trung, khép kín vẫn có lãi nhờ phương thức chăn nuôi hiện đại, giá thành sản phẩm chăn nuôi thấp. Ảnh: Phú Hương
Giá thu mua xuống thấp, ở hầu hết các thời điểm, những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chủ động được nguồn con giống, thức ăn thì cơ bản vẫn có lãi, nhưng các trang trại nhỏ và chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ thì chỉ có thể hòa vốn hoặc chịu lỗ.
Ông Ngô Đức Quỳnh – Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngành Chăn nuôi đã chịu tác động nặng nề từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, Dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh trên đàn lợn cơ bản đã được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất như con giống, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng rất cao, trong khi giá lợn hơi bán ra thị trường giảm rất mạnh đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến cả vấn đề tái đàn.
Những năm qua, Nghệ An cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuỗi khép kín, những năm gần đây chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ cũng đang có xu hướng giảm do nhiều nguyên nhân. Đó được coi là một tín hiệu tốt, phù hợp xu thế chung để có thể hướng đến một ngành chăn nuôi bền vững. “Thực tế, mặc dù giá giảm nhưng các trang trại nuôi tập trung vẫn có lãi.
Cùng với định hướng, nỗ lực của Nhà nước, để có thể chăn nuôi bền vững, người chăn nuôi phải đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế”, ông Ngô Đức Quỳnh nhấn mạnh.
Bà Bá Thị Dung – Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: Năm 2020, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 14.570 con thì năm nay giảm chỉ còn 12.196 con và với tình hình như hiện tại, đàn lợn sẽ còn có xu hướng tiếp tục giảm, nhất là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ
Ông Nguyễn Văn Hiền ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) đã chuyển phần lớn sang nuôi bò sinh sản. Ảnh: Phú Hương
Trong nỗ lực nhằm làm giảm giá thức ăn chăn nuôi, mới đây Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá bán sản phẩm ra thị trường giảm mạnh. Hiện tại, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85 – 90% giá thành.
Như vậy, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ có khả năng giảm. Đồng thời, nền kinh tế phục hồi dần, thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại sẽ giúp sức tiêu thụ thực phẩm, trong đó có thịt lợn tăng lên.
Phú Hương
Nguồn: Báo Nghệ An