Lợi ích kép từ hầm biogas trong chăn nuôi

Là địa phương vùng ven có nhiều hộ chăn nuôi với quy mô lớn trên địa bàn TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), vì vậy xã Tam Thăng đang triển khai hỗ trợ các hộ dân xây dựng hầm biogas nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Hà ở thôn Thạch Tân (xã Tam Thăng) nuôi heo với số lượng đàn lên gần 20 con từ năm 2018 đến nay. Mặc dù gia đình ông Hà đã xây dựng hầm để xử lý chất thải nhưng vẫn không xử lý triệt để được mùi hôi, gây ảnh hưởng đến gia đình và hàng xóm.

Đầu năm 2024, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của địa phương, ông Hà đã xây dựng hầm biogas. Đến nay, hầm biogas hoạt động ổn định mang lại lợi ích kép: xử lý dứt điểm mùi hôi thối từ chất thải mà còn tạo ra khí đốt để đun nấu, kể cả việc nấu rượu, nấu thức ăn cho đàn heo.

hầm biogas

Xây dựng hầm biogas đã giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: “Kể từ khi xây dựng hầm biogas thì môi trường khu vực chăn nuôi sạch sẽ hơn, hàng xóm không còn phàn nàn về mùi hôi nữa. Chất thải từ đàn heo được xử lý qua hầm biogas nên đã góp phần giảm thiểu được nguy cơ dịch bệnh”.

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 về hỗ trợ xây dựng hầm biogas, thành phố hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng tối đa không quá 15 triệu đồng/gia trại/hộ và không quá 20 triệu đồng/ trang trại.

Hiện nay, UBND xã Tam Thăng đang tiến hành khảo sát, kiểm tra các điều kiện để tiến hành hỗ trợ chủ hộ chăn nuôi xây dựng mô hình này, dự kiến trong năm nay sẽ hỗ trợ cho 8 cơ sở chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu lắp đặt và vận hành hầm biogas đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình cũng như bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

hầm biogas

Sử dựng khí đốt từ biogas để đun nấu.

Bà Châu Thị Thưởng ở thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng) cho biết: “Do chăn nuôi số lượng heo lớn nên tôi phải đun nấu nhiều. Kể từ khi sử dụng khí đốt từ hầm biogas thì gia đình tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí để đun nấu thức ăn cho heo cũng như sử dụng trong gia đình. Hơn nữa môi trường xung quanh cũng trong lành hơn. Nhờ có hầm biogas mà gia đình tôi yên tâm phát triển chăn nuôi, sản xuất”.

Ông Trình Công Quốc – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết: “Việc đưa mô hình hầm biogas áp dụng vào xử lý chất thải trong chăn nuôi là giải pháp hiệu quả đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.

Hiện nay, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích của việc sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ đàn vật nuôi trước các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra; đồng thời góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chăn nuôi, việc tìm kiếm các phương pháp xử lý chất thải, nước thải phù hợp là rất quan trọng. Do đó, không chỉ dừng lại ở xã Tam Thăng mà thành phố Tam Kỳ sẽ triển khai mô hình này trên toàn địa bàn theo Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2022 – 2025.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *