(Người Chăn Nuôi) – Ngày 18/6/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ký Công văn số 3208/UBND-NLN gửi các sở, ngành trực thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Trong Công văn nêu rõ, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đang bùng phát dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, chăn nuôi. Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bệnh trên đàn vật nuôi, tránh tình trạng vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và bệnh dịch tả heo châu Phi nói riêng.
Người dân thực hiện biện pháp khử trùng khu vực chuồng nuôi. Ảnh: ST
Trước đó, ngày 16/6/2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo tinh thần của Công điện mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau:
Với các huyện, thị xã, thành phố, nếu không có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ xảy ra từ các năm trước; ngăn chặn tình trạng nhập heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.
Các địa phương đã xảy ra dịch tả heo châu Phi trong năm nay như các huyện Văn Bàn, Bảo Yên nếu để phát sinh, tái phát dịch bệnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện này phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tập trung chăm sóc, quản lý đàn heo thịt hiện có để bảo vệ đàn vật nuôi, kịp thời xuất bán khi đến tuổi, trọng lượng phù hợp, góp phần ổn định giá thịt heo và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng vaccine bệnh dịch tả heo châu Phi cho đàn heo nái.
Đối với các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; phối hợp với lực lượng chức năng quản lý biên giới để tổ chức tuần tra, phát hiện, tuyên truyền và xử lý các trường hợp buôn bán, nhập lậu, mang vác thuê, cho tặng gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; kiểm soát chặt từ khâu con giống, thức ăn, nước uống, áp dụng biện pháp kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia súc, gia cầm, các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm không đảm bảo theo quy định hiện hành. Đồng thời, theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường nhất là thịt heo và sản phẩm từ thịt heo để chủ động có phương án hoặc tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường thịt heo trên địa bàn tỉnh…
Được biết, tại tỉnh Lào Cai, cuối tháng 5, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 2 hộ, thuộc huyện Văn Bàn và Bảo Yên làm 5 con heo mắc bệnh, khối lượng tiêu hủy là 350 kg. Nguyên nhân do người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Thùy Khánh