Nắm xu hướng tiêu dùng hiện nay là các thực phẩm đặc sản, người dân đã khôi phục những giống vật nuôi bản địa, nuôi theo quy mô hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có dòng suối Nậm Luông chảy qua địa bàn, từ lâu, nuôi vịt đã gắn liền với đời sống sản xuất của người dân xã Nghĩa Đô (Bảo Yên). Giống vịt bầu được người dân chăn thả là giống địa phương có đặc điểm cổ rụt, thân bầu bĩnh, đầu to, chân ngắn, trọng lượng bình quân khi trưởng thành đạt 2 – 2,5 kg. Vịt bầu Nghĩa Đô có chất lượng thịt ngon, thơm, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trước đây, người dân Nghĩa Đô chỉ nuôi vịt phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Vịt Nghĩa Đô thả bán tự nhiên nên thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng, gấp 2 lần so với các loại vịt nuôi công nghiệp nên khó cạnh tranh trên thị trường. Năm 2021, huyện Bảo Yên triển khai Dự án “Phát triển chuỗi giá trị vịt bầu Nghĩa Đô”, tập trung tuyển chọn giống và chuyển giao kỹ thuật duy trì đàn ông, bà, bố mẹ để tuyển chọn và giữ chất lượng con giống; hỗ trợ xây phòng ấp và phòng úm con giống; kỹ thuật nuôi vịt đẻ lấy trứng, vịt thương phẩm… đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đưa vịt bầu Nghĩa Đô trở thành sản phẩm OCOP… từ đó vịt bầu Nghĩa Đô được khách hàng trong huyện, trong tỉnh biết đến nên đầu ra tăng mạnh, giá cả ổn định. Anh Nguyễn Văn Thọ, bản Thâm Mạ cho biết: Hiện gia đình duy trì đàn vịt 250 con, mỗi ngày đẻ khoảng 150 quả trứng và thực hiện ấp trứng, cung cấp vịt giống cho người dân trong và ngoài xã.
Xã Nghĩa Đô hiện có 768 hộ chăn nuôi vịt bầu, với hơn 9.100 con, mỗi năm cung cấp hơn 15.000 con vịt thương phẩm ra thị trường. Xã đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Đô để các hộ chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vịt của địa phương.
Ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Tháng 5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể vịt bầu Nghĩa Đô. Từ khi vịt bầu Nghĩa Đô có nhãn hiệu, giá bán tăng 10 – 15% và thị trường tiêu thụ cũng rộng mở hơn.
Trước đây, gia đình anh Lò Láo Tả (thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung) chỉ nuôi 3 – 5 con lợn đen bản địa phục vụ nhu cầu của gia đình mỗi dịp lễ, tết, hiếu, hỷ. Khoảng 5 năm gần đây, khi điều kiện kinh tế phát triển, người tiêu dùng ở thành thị có xu hướng ưa chuộng thịt lợn đen bản địa, anh bàn với vợ vay vốn phát triển chăn nuôi theo quy mô hàng hóa. Năm 2019, gia đình anh vay 200 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư chuồng trại, mua giống khởi nghiệp. Hiện anh duy trì đàn lợn nái sinh sản 25 – 30 con và hơn 150 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán hơn 300 con lợn thịt và lợn giống, đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Gia đình chị Ly Thị Đương (xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương) có đàn lợn đen nhiều nhất xã, với gần 100 con, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chị Đương cho biết: Giống lợn đen bản địa phù hợp với khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường của địa phương, kể cả mùa đông lạnh. Bên cạnh đó, chất lượng thịt lợn thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá cao hơn giống lợn khác.
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều giống vật nuôi bản địa đang được thị trường ưa chuộng như vịt bầu Nghĩa Đô, vịt Sín Chéng, gà đen, lợn đen, gà ri… Việc phát triển vật nuôi bản địa đã và đang là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, để gìn giữ, phát triển bền vững giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa, các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng để người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản. Cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Kim Thoa – Khánh Ly
Nguồn: Báo Lào Cai