Những năm gần đây, chăn nuôi ngựa, đặc biệt là chăn nuôi ngựa bạch đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lộc Bình đã đầu tư phát triển, tăng đàn.
Là một trong những hộ tiên phong phát triển mô hình chăn nuôi ngựa, anh Lô Văn Quy, thôn Phai Bây, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích chăn thả dần thu hẹp nên tổng đàn trâu, bò giảm dần. Nhận thấy chăn nuôi ngựa, nhất là ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2015, tôi đã đầu tư phát triển tăng đàn ngựa. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn ngựa bạch của gia đình phát triển tốt. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 3 – 4 con ngựa bạch giống với giá dao động từ 30 đến 40 triệu đồng/con, nhờ đó đem lại thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
Người dân xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình chăm sóc đàn ngựa
Để có vốn tiếp tục đầu tư mở rộng tăng đàn, qua tuyên truyền, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền xã, tháng 9/2022, tôi làm hồ sơ vay vốn theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Đầu năm 2023, tôi được giải ngân vốn vay với số tiền 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn, tôi mua thêm ngựa bạch giống, trồng cỏ voi và xây dựng chuồng trại… Hiện gia đình đang duy trì nuôi 8 con ngựa bạch, dự kiến sẽ tiếp tục tăng đàn lên từ 12 đến 15 con.
Không chỉ anh Quy, toàn xã Hữu Lân hiện có trên 300 hộ đang phát triển chăn nuôi ngựa với tổng đàn 637 con (trong đó 50% là ngựa bạch). Mô hình chăn nuôi ngựa đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ chăn nuôi đã có thu nhập ổn định mỗi năm từ bán ngựa.
Giống như xã Hữu Lân, Ái Quốc là xã đang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi ngựa. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã chuyển từ chăn nuôi trâu, bò sang phát triển chăn nuôi ngựa. Toàn xã hiện có 10 hộ dân phát triển chăn nuôi ngựa với tổng đàn trên 70 con. Trong đó, hộ nuôi nhiều nhất 21 con. Để người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi, chính quyền xã đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Từ khi triển khai đến nay, toàn xã đã có 6 hộ dân được vay vốn từ Nghị quyết 08 với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi ngựa.
Chị Đặng Thị Hiền, thôn Hòa Bình, xã Ái Quốc cho biết: Đầu năm 2022, gia đình tôi được giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 08 để phát triển chăn nuôi ngựa với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng. Theo đó, gia đình đầu tư mua con giống và xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn ngựa của gia đình phát triển tốt. Từ năm 2022 đến nay, gia đình đã xuất bán 5 con ngựa giống với giá dao động từ 30 đến 40 triệu đồng/con. Hiện gia đình đang duy trì nuôi 21 con ngựa bạch.
Theo thống kê, toàn huyện Lộc Bình hiện có tổng đàn ngựa trên 1.100 con, trong đó có khoảng 400 con ngựa bạch, tập trung tại các xã: Hữu Lân, Ái Quốc, Minh Hiệp… Toàn huyện hiện có 20 mô hình chăn nuôi ngựa có tổng đàn từ 10 con trở lên.
Để đàn ngựa phát triển tốt, người dân đã chú trọng chăm sóc và bổ sung thức ăn; quan tâm phòng, trị bệnh cho đàn ngựa… Cùng đó, hằng năm phòng chuyên môn huyện phối hợp với chính quyền các xã tổ chức trung bình từ 6 đến 8 lớp tập huấn lồng ghép về các kỹ thuật chăn nuôi, trong đó có kỹ thuật chăm sóc đàn ngựa cho bà con.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền huyện cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn quan tâm, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 20 hộ dân được vay vốn từ Nghị quyết 08 với số vốn trên 15 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi ngựa. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có điều kiện xây dựng chuồng trại, phát triển tăng đàn… Hiện nay, trung bình mỗi con ngựa trưởng thành có giá từ 40 đến 90 triệu đồng/con, tùy loại (ngựa thường hay ngựa bạch). Nhờ phát triển chăn nuôi ngựa, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định từ 50 đến 150 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Lộc Bình là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi ngựa. Nếu như trước đây, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ thì 5 năm trở lại đây, các hộ dân đã mạnh dạn vay vốn, tập trung mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn ngựa. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện để các hộ mở rộng quy mô, tăng đàn, trong đó chú trọng phát triển đàn ngựa bạch. Đồng thời, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Ngoài ra, phòng cũng quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp tổ chức lồng ghép các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân… từ đó thúc đẩy chăn nuôi hiệu quả.
Từ sự chủ động của người dân cùng sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền huyện, phong trào chăn nuôi ngựa trên địa bàn huyện Lộc Bình ngày càng phát triển. Nhờ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Liễu Chang