Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, xuất hiện các loại bệnh như: lở mồm long móng (LMLM), bệnh dại, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trước thực tế đó, các cấp, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, tổng đàn trâu trên địa bàn toàn tỉnh có trên 56.000 con, tổng đàn bò ước trên 28.000 con, tổng đàn lợn trên 185.800 con, tổng đàn gia cầm trên 5 triệu con.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh trên gia súc có diễn biến phức tạp, xuất hiện các loại bệnh ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi. Cụ thể, ngày 24/4, tại huyện Hữu Lũng xuất hiện bệnh LMLM trên 9 con trâu, bò của 2 hộ tại thôn Hạ, xã Yên Sơn. Sau đó, bệnh tiếp tục phát sinh với tổng số mắc bệnh là 33 con.
Cán bộ thú y phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Văn Quan
Đặc biệt, từ tháng 5/2024 đến hết tháng 6/2024, DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan. DTLCP đã xảy ra ở 2.874 hộ tại 579 thôn của 138 xã, phường trên địa bàn 11 huyện, thành phố; số lợn chết và tiêu hủy là 9.512 con với tổng trọng lượng trên 434,2 tấn.
Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống. Đơn cử, đối với bệnh LMLM, ngay sau khi phát hiện, UBND huyện Hữu Lũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xã đẩy mạnh các biện pháp để ngăn chặn bệnh tránh lây lan ra diện rộng.
Ông Nông Khắc Tạo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Ngay khi phát hiện bệnh LMLM, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền cơ sở và các hộ chăn nuôi tiến hành khoanh vùng, quản lý chặt chẽ ổ bệnh. Đồng thời, tiến hành thống kê tổng đàn tại xã có dịch và các xã lân cận để tiêm vắc xin bao vây ổ bệnh; cấp thuốc sát trùng cho người dân phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và những nơi có nguy cơ cao. Nhờ đó, bệnh LMLM đã được khống chế.
Tương tự huyện Hữu Lũng, sau khi phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các phòng chuyên môn huyện Văn Quan đã tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể. Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết: Ngày 10/5, bệnh DTLCP xuất hiện tại xã Đồng Giáp, sau đó bùng phát trên địa bàn huyện. Tính đến hết ngày 25/6, dịch đã lây lan ra 14/17 xã, thị trấn. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 1.737 con với tổng trọng lượng 35,3 tấn. Trước diễn biến phức tạp của DTLCP, phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cấp, phát 516 lít thuốc sát trùng, 4.975 kg vôi bột cho tất cả các xã thị trấn để phun tiêu độc khử trùng. Song song với đó, đẩy mạnh công tiêm phòng vắc xin các loại bệnh trên lợn. Thời điểm hiện tại, chúng tôi tiếp tục bám sát vào chỉ đạo của các cấp, ngành tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống theo đúng quy định, hiệu quả.
Cùng với UBND các huyện, thành phố, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở NN&PTNT đã kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại 4 huyện; thành lập tổ hỗ trợ hướng dẫn trực cách chôn lấp, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh lây lan. Cùng đó công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi được chú trọng, kết quả đến nay đã tiêm phòng các loại bệnh cho gần 1,2 triệu lượt con gia súc, gia cầm; cấp phát trên 10.000 lít thuốc sát trùng cho các xã thực hiện công tác phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; tiêm phòng vắc xin LMLM, viêm da nổi cục chậm hơn mọi năm; trên địa bàn tỉnh chưa đủ nguồn cung con giống,…
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao như bệnh dại, LMLM, viêm da nổi cục do vắc xin tiêm phòng trên đàn gia súc đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại kịp thời, đặc biệt là sự lây lan của DTLCP.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để phòng, chống các loại dịch bệnh động vật nói chung, đặc biệt là DTLCP nói riêng, sở đang xây dựng kế hoạch mua vắc xin DTLCP, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ thuốc sát trùng và cấp phát cho các huyện, thành phố. Đồng thời, sở tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, lấy mẫu giám sát để kịp thời xác minh dịch bệnh, chỉ đạo kỹ thuật về công tác phòng chống dịch; phổ biến, khuyến khích việc áp dụng và nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi của người dân…
Hy vọng rằng, với những giải pháp đã và đang được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn triển khai, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc sẽ được khống chế, đảm bảo cho lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định.
Cát Tiên