Chị Lê Thị Dung, Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn đội 4, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) không chỉ là cán bộ gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của Hội mà còn là một hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, với mô hình trang tại tổng hợp cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Chị Lê Thị Dung cho biết, năm 2014 gia đình chị nhận thầu 10 ha đất rừng để trồng keo và luồng. Không dừng lại ở đó, để tận dụng quỹ đất chưa sử dụng hết và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, chị bắt tay vào phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Đầu tiên là việc cải tạo sườn đồi, xây dựng chuồng trại. Chị thiết kế 3 khu vực chăn nuôi khác nhau, gồm khu vực chăn nuôi lợn thịt siêu nạc, khu chăn nuôi gà thả đồi và khu nuôi lợn rừng. Ngoài ra, chị kết hợp trồng một số loại cây ăn quả như: ổi, bưởi, na… hiện đã cho thu hoạch và tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Khu vực nuôi lợn thịt siêu nạc của gia đình chị Lê Thị Dung, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân).
Hiện nay, trang trại của gia đình chị có tổng 16 con lợn nái mẹ và 70 con lợn con, số lợn rừng có 3 mẹ và 17 con, tổng đàn gà có trên 6.000 con được chăn thả tự do dưới tán rừng. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí gia đình lãi gần 200 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi này. Đồng thời, tạo việc làm thời vụ cho từ 3 – 5 lao động.
Chị em Hội Phụ nữ xã Thọ Lâm thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Lê Thị Dung.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình, chị Dung cho biết: “Để mô hình sản xuất đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao, đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm rõ kiến thức, kỹ thuật, lựa chọn cây, con giống phù hợp, đảm bảo chất lượng. Bản thân tôi và các thành viên trong gia đình thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội phụ nữ, Hội Nông dân và địa phương tổ chức, từ đó tích lũy thêm kiến thức phục vụ sản xuất”.
Số lợn rừng được chăn thả trong trang trại của chị Dung.
“Qua một thời gian đổi mới cách thức sản xuất, tôi đã rút ra được kinh nghiệm cho bản thân đó là muốn phát triển kinh tế thì trước hết phải chọn được hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện, khả năng; và quan trọng là phải kiên trì, chịu khó, không ngừng học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để ngày càng tiến bộ”, chị Dung cho biết thêm.
Với những kinh nghiệm có được trong phát triển mô hình trang trại, chị Dung đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ ở địa phương cùng phát triển sản xuất. Với cương vị là Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn đội 4, chị còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động của hội, được hội viên, phụ nữ tín nhiệm, yêu mến. Chị trở thành tấm gương để các chị em khác noi theo và phấn đấu, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bảo Thanh
Nguồn: Báo Thanh Hóa