Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Xoan ở thôn 4, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó, sau 5 năm “làm bạn” với chim bồ câu Pháp, đến nay gia đình bà đã sở hữu trang trại có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Đến tham quan mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Xoan, chúng tôi khá ấn tượng với hệ thống chuồng nuôi được thiết kế thoáng đãng, sạch sẽ. Với diện tích 300m2, gia đình bà làm chuồng 3 tầng để nuôi chim bồ câu Pháp.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Xoan cho biết: “Trong quá trình đi làm thấy hiệu quả của mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở nhiều địa phương mang lại hiệu quả. Sau khi tính toán thấy mô hình này phù hợp với sức khỏe của bố mẹ và đòi hỏi nguồn vốn không quá lớn. Vì vậy các con đã động viên bố mẹ thử nghiệm nuôi 50 đôi chim và ý tưởng nếu thuận lợi sẽ nhân rộng trong thời gian tiếp theo”.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Xoan mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do chưa có kinh nghiệm lại mua phải nguồn giống trôi nổi nên thời gian đầu đàn chim của gia đình bà phát triển không đều hay bị dịch bệnh. Không nản chí, gia đình bà đã chọn mua được giống chuẩn và quyết tâm học thêm kỹ thuật chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ cần cù, chịu khó, nắm vững kỹ thuật nuôi chim đến nay mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình bà Xoan mang lại hiệu quả.
“So với các giống chim bồ câu khác, bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, có khả năng sinh sản đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4 – 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 35 – 40 ngày chim mái sinh sản lứa tiếp theo, trung bình mỗi cặp chim giống để từ 9 – 10 lứa/năm”, bà Xoan cho biết.
Giống bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, có khả năng sinh sản đều và cao.
Theo bà Xoan thì để nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất, bởi lẽ chúng sẽ quyết định đến đầu ra của chim trong tương lai, chất lượng thịt và sự ưa chuộng của khách hàng. Lựa chọn con giống phải chuẩn chim Pháp, chim phải khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn, không có bệnh tật và dị tật. Thức ăn nuôi chim cũng rất đơn giản, chủ yếu là cám, thóc và ngô, chia theo tỷ lệ 1/3 cám, 1/3 lúa và 1/3 ngô.
Trong quá trình nuôi chú trọng đến các đợt uống vắc xin phòng bệnh, sử dụng men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng để giảm mùi hôi, tăng sức đề kháng cho chim.
Mỗi bồ câu mái sau 4 – 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu.
Từ 50 cặp, đến nay trang trại gia đình bà đã nuôi 1.000 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản, mỗi tháng xuất khoảng 200 đôi bồ câu thịt. Hiện nay giá trung bình một cặp bồ câu thịt dao động khoảng 80 – 100 ngàn đồng, giá con giống khoảng 140 – 150 ngàn đồng.
Theo tính toán của bà Xoan với thời điểm trước dịch giá bán cao hơn thì sẽ đem lại lợi nhuận từ 20 – 25 triệu/tháng. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch và giá thức ăn tăng cao, trong khi đó giá bán chim bồ câu giảm khoảng 30% nên cũng ảnh hưởng nhiều về thu nhập. Tuy nhiên nếu so với việc làm ruộng thì nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần.
Bà Hà Thị Vịnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Hợp Tiến (Triệu Sơn) cho biết: “Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Xoan là mô hình tiên tiến của địa phương. Từ mô hình này đã có thêm nhiều hội viên học và làm theo, mang lại thu nhập ổn định”.
Thu Thủy
Nguồn: Báo Thanh Hóa