Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ dâu tằm Đạ Pal (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) đang thử nghiệm lắp điều hòa nhiệt độ trong nhà nuôi tằm để khắc phục những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, đảm bảo môi trường thuận lợi cho tằm sinh trưởng và nâng chất lượng kén tằm.
Vài năm trở lại đây, những những tiến bộ mới về khoa học – kỹ thuật ngày càng hiện đại được áp dụng đồng bộ giúp nông trồng dâu nuôi tằm giảm được chi phí đầu tư, giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Những giống dâu bản địa già cỗi, năng suất thấp được thay thế bằng loại giống mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của Lâm Đồng.
Gia đình anh Phạm Thanh Lâm đang nuôi tằm giống để cung cấp cho thành viên hợp tác xã và một số khu vực lân cận
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, hiện nay diện tích dâu tằm đạt gần 1.500 ha. Trong đó, “cái nôi” của tằm tang Đạ Tẻh là xã Đạ Pal, nơi có đến hơn 70% là người gốc Nam Định vào xây dựng kinh tế mới từ những năm 1986 – 1987. Họ mang trong mình nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của cha ông.
Anh Phạm Thành Lâm – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ dâu tằm Đạ Pal cho biết, hiện nay, chất lượng tằm giống được phần nào cải thiện, cây dâu giống mới năng suất cao, kỹ thuật chăm tằm đã được đổi mới nên nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm đã nhàn hơn rất nhiều.
Trong quá quá trình nuôi tằm, lượng phân tằm thải ra sẽ tương đối lớn, thải ra khí CO2, nên cần lắp thêm quạt hút để tạo môi trường thông thoáng
Ý tưởng nuôi tằm trong nhà lạnh cũng được anh thử nghiệm đầu tiên sau khi có cơ hội đi giao lưu, tìm hiểu về nghề trồng dâu nuôi tằm ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa phương khu vực miền Trung.
“Thông tin ghi trên gói trứng giống tằm thì nhiệt độ lý tưởng là 25 – 27 độ C, độ ẩm 80 – 85%. Nhưng rất ít thời điểm ở Đạ Tẻh đạt được mức nhiệt lý tưởng này. Vào cao điểm mùa khô, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến trên 35 độ C. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của tằm, tằm dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm”, anh Lâm chia sẻ.
Anh Lâm cho biết thêm, như thực tế các năm, vào thời điểm sau Tết Nguyên Đán, thời tiết nắng nóng khiến năng suất kén tằm chỉ đạt khoảng 20 – 30 kg/hộp, tương đương với việc giảm 50% sản lượng. Chưa kể một số trường hợp kén tằm kém chất lượng bị nhà máy trả về.
Nhiệt kế được lắp để theo dõi mức nhiệt khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi
Với diện tích nhà tằm 70 m2, anh Lâm đã lắp 2 máy điều hòa nhiệt độ và máy hút mùi để tạo môi trường lý tưởng cho con tằm phát triển. Đồng thời sửa chữa lại nhà nuôi tằm, lót các tấm cách nhiệt để đảm bảo kín gió. Tổng chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng.
Nhiệt độ điều chỉnh dưới 30 độ C để có tằm giống tốt
Nhận thấy có hiệu quả nên có liên hệ với ngành nông nghiệp địa phương để đề xuất thử nghiệm mô hình trong hợp tác xã.
Ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm bền vững, trong năm 2023, UBND huyện đã bố trí vốn đưa một số giống dâu mới vào thử nghiệm để đánh giá năng suất và khả năng kháng bệnh tuyến trùng; xây dựng vườn dâu an toàn dịch bệnh bằng các biện pháp canh tác; hỗ trợ chuyển đổi vườn dâu bị bệnh tuyến trùng nặng sang trồng cây khác, sau 1 năm trồng lại dâu.
Con tằm có nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường
Từ nguồn kinh phí chương trình xây dựng Nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho HTX nông nghiệp và dịch vụ dâu tằm Đạ Pal mua 22 cái máy lạnh tại thí điểm tại 13 hộ gia đình. Các hộ tự đầu tư chi phí sửa sang nhà tằm. Qua đánh giá sơ bộ, bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả, tỷ lệ tằm hao hụt giảm từ 5 – 10 %, sản lượng và chất lượng kén tăng trên 5%, giá bán kén tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Theo anh Trung, từ khi lắp máy lạnh, bước chân vào nhà tằm, người nuôi cũng cảm nhận được bầu không khí dễ chịu hơn, thoáng mát, không mùi hôi
Theo anh Phạm Thành Lâm, Hợp tác xã sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả củamô hình và sẽ hỗ trợ mở rộng nếu như các thành viên có nhu cầu và hi vọng rằng mô hình sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới để giúp người nuôi tằm ổn định hơn cũng như có đóng góp cho ngành dâu tằm của địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Hồng Thắm
Nguồn: Báo Lâm Đồng