Nhiều nông dân đã chuyển hướng chăn nuôi, không chỉ nuôi gia súc, gia cầm cung ứng thịt với số lượng lớn mà nhiều nông hộ đã chuyển qua chăn nuôi sinh sản. Dù có nhiều yêu cầu so với nuôi lấy thịt nhưng nuôi sinh sản đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông hộ.
Làm bể cho vịt tắm hàng ngày
Trang trại nhỏ chuyên nuôi vịt xiêm sinh sản của vợ chồng anh chị Hoàng Văn Thanh – Nguyễn Thị Quyên, thôn Hàng Hải, xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nằm khá tách biệt với khu dân cư. Trên mảnh đất rộng gần 2 sào, anh chị rào kín, làm mái lưới, làm chuồng hở nuôi vịt xiêm sinh sản. Giống vịt xiêm chân thấp, khoang đen trắng bố mẹ, trọng lượng lớn, chuyên đẻ trứng giống đã được anh chị nuôi từ nhiều năm nay.
Anh Hoàng Văn Thanh cho biết, vịt xiêm bố mẹ thường được nuôi trên nền đất, thay cho nuôi trên sàn như với vịt xiêm lấy thịt. Trên nền đất phải rải một lớp trấu để thu hút hết lượng chất thải của vịt. Khu nuôi vịt được chia làm hai phần, phần chuồng nuôi và phần sân chơi. Chuồng nuôi là một gian nhà lớn có cửa, vịt có thể tự do ra vào. Bình thường, khi trời tối, khi mưa hoặc nắng quá, vịt xiêm tự vào chuồng nghỉ ngơi, khi trời mát mới ra. Anh Thanh còn xây tại các khu nuôi những bể bơi với lượng nước được cung cấp dồi dào. Anh cho biết: “Vịt xiêm là giống ưa nước, chúng cần được tắm, chải lông hàng ngày. Vì thế làm chuồng nuôi vịt xiêm giống thì cần làm các bể để chúng thoải mái bơi lội, vịt mau lớn, khỏe mạnh”.
Đàn vịt xiêm sinh sản của gia đình anh Hoàng Văn Thanh
Một điều rất quan trọng với nuôi vịt xiêm sinh sản là phải tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu vịt thương phẩm chỉ nuôi từ 70-75 ngày là được bán thì vịt xiêm sinh sản nuôi phải 2 năm. Đồng thời, việc vịt bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng trứng, khiến vịt ấp nở ra sẽ không tốt, chậm lớn. Bởi vậy, anh Thanh đảm bảo việc tiêm vắc xin cho vịt đúng thời điểm, đúng liều lượng quy định, giúp bầy vịt khỏe mạnh, sinh sản tốt.
Thức ăn cho vịt xiêm sinh sản cũng có nhiều thức ăn lạ. Thay vì chỉ cho ăn cám, vịt xiêm sinh sản cần ăn thêm thóc nảy mầm. Chị Nguyễn Thị Quyên chia sẻ, thóc nảy mầm giúp vịt có hệ tiêu hóa khỏe, tăng đề kháng. Thóc được thả nguyên bao xuống ao ngâm trong 24 tiếng, sau đó vớt lên, khi thóc nảy mầm lấy ra cho vịt ăn hàng ngày, bên cạnh chế độ cám. Chị Quyên chia sẻ: “Khi vịt còn bé thì thường cho ăn ít, ăn cám, bắp giã nhỏ, hãm vịt không để lớn quá nhanh sẽ đẻ sớm. Vịt mọc lông cánh mới ăn thêm thóc ngâm. Đợi vịt tầm 6 tháng, đủ trưởng thành để sinh sản chủ yếu ăn cám. Vịt được cung cấp đủ thức ăn, khoáng, can xi các loại mới đẻ đều, chất lượng trứng tốt”.
Nuôi vịt đẻ thu nhập ổn định
Như anh chị Thanh – Quyên cho biết, vịt giống nhập vào trại là giống 1 ngày tuổi, phải được úm nơi ấm áp, kín gió, nhiệt cung cấp đủ. Một con vịt giống như vậy có giá 60 ngàn đồng, một số tiền không nhỏ. Vì vậy, anh chị phải đảm bảo việc nuôi vịt xiêm con cẩn thận, không để vịt chết gây hao hụt.
Sau 6 tháng nuôi với chế độ ăn vừa phải, vịt xiêm sẽ đạt đủ độ trưởng thành để bắt đầu sinh sản. Tới lúc này, vịt mái đẻ rất đều, tỷ lệ đẻ tới 80 – 90%. Trung bình mỗi tháng, một vịt xiêm mái đẻ tới 25 – 26 trứng. Sau 6 tháng sinh sản liên tục, vịt mái sẽ dừng đẻ để thay lông. Sau thời gian thay lông khoảng 2 – 3 tháng, vịt mái sẽ đẻ ít đi, tầm 20 – 23 trứng/tháng. Sau khoảng 2 năm, vịt mái sẽ già, tỷ lệ trứng ít dần và lúc này cần thay lứa mới. Anh Hoàng Văn Thanh cũng cho biết, khi cung cấp giống cho trại, doanh nghiệp đã tính toán ở mức 4 – 5 mái/1 đực. Đây là tỷ lệ tối ưu, giúp bầy vịt khỏe mạnh, chất lượng trứng tốt.
Tính trung bình, một vòng đời vịt xiêm mái sẽ sinh sản khoảng 550 – 600 trứng. Số trứng này được doanh nghiệp cung cấp giống thu mỗi tuần với giá từ 8 – 9 ngàn đồng/quả. Thu trứng về, doanh nghiệp ấp nở, cung cấp thành vịt nuôi thương phẩm lấy thịt cho các nông hộ khác. Vì vậy, mỗi quả trứng do trại giống của gia đình sản xuất ra, doanh nghiệp đều thu mua với giá cho trước. Sau 2 năm, khi thải vịt, anh chị vẫn bán được với giá 60 ngàn đồng/kg cho các nhà hàng.
Theo anh Hoàng Văn Thanh, nuôi vịt xiêm sinh sản an toàn và thu nhập ổn định hơn nuôi vịt xiêm lấy thịt. Tuy vốn bỏ ra ban đầu cao hơn, thời gian kéo dài hơn nhưng chăm vịt sinh sản nhàn hơn, ít phụ thuộc vào giá cả thị trường lên – xuống do được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Anh chia sẻ, thu nhập của gia đình từ trại vịt xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết chi phí. Vì vậy, gia đình anh đã gắn bó với nghề nuôi vịt xiêm sinh sản từ rất nhiều năm, từ khi chỉ nuôi 200 con cho tới bây giờ là 2.000 vịt.
Anh Lưu Văn Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gung Ré đánh giá, hộ anh Hoàng Văn Thanh là hộ nông dân sản xuất giỏi điển hình của địa phương. Mô hình chăn nuôi vịt xiêm sinh sản của anh được doanh nghiệp tín nhiệm do tỷ lệ đẻ trứng cao, chất lượng trứng tốt, quy mô ngày càng mở rộng. Anh chị vừa được Hội giải ngân 90 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng nuôi, tăng thêm thu nhập từ con vịt xiêm.
Diệp Quỳnh
Nguồn: Báo Lâm Đồng