Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lai Châu, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tái phát và diễn biến phức tạp. Không để lây lan diện rộng, chính quyền các cấp cùng cơ quan chuyên môn thành phố đang tăng cường các biện pháp phòng, chống.
Chúng tôi cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thành phố và xã Sùng Phài xuống các bản có gia súc bị bệnh DTLCP. Tại gia đình bà Phê Thị Dẻ ở bản Hồi Lùng còn con lợn cuối cùng cũng không thể giữ và vừa tiến hành tiêu hủy. Vẻ mặt thẫn thờ, bà Dẻ tâm sự: Kinh tế khó khăn, tôi cố gắng nuôi đàn lợn này hy vọng cải thiện cuộc sống. Nhưng đàn lợn – cả gia tài của gia đình nay bị bệnh chết hết rồi! Mong chính quyền có phương án hỗ trợ các hộ có gia súc bị thiệt hại do bệnh DTLCP.
Theo lời kể của bà Dẻ, ngày 16/8, trong đàn lợn của gia đình có một con biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, sau đó chết. Trước đó, trên địa bàn xã có một số hộ có lợn bị nhiễm bệnh DTLCP, bà nghĩ lợn nhà mình cũng vậy nên đã thông báo cho xã. UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn của thành phố nhanh chóng đến nhà và tiêu hủy lợn bị chết, triển khai các biện pháp phòng ngừa theo quy định. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày, đàn lợn 9 con vẫn lần lượt chết.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hướng dẫn người dân xã Sùng Phài tiêu độc khử trùng chuồng nuôi sau khi có lợn bị chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Được biết, xã Sùng Phài hiện có tổng đàn lợn trên 3.600 con, bệnh DTLCP xuất hiện từ đầu tháng 8 tại bản Gia Khâu I, sau đó lan sang các bản khác. Bà Sùng Thị Dẻ – Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho hay: Ngày 10/8, qua nắm bắt thông tin ở cơ sở, lợn của một số hộ dân trên địa bàn chết không rõ nguyên nhân, người dân đã tự tiêu huỷ trước đó (4 con ở bản Gia Khâu I) mà không báo với chính quyền xã. Sau đó, bệnh lây nhiễm sang các bản: Gia Khâu II, Căn Câu, Hồi Lùng, số lượng lợn chết ngày càng tăng. Đến ngày 14/8, có gần 20 con lợn chết. Xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu dịch tễ gửi về Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm, kết quả mẫu dương tính với vi-rút DTLCP.
Đến cuối tháng 8, toàn xã Sùng Phài có hơn 90 con lợn bị chết. Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP, chính quyền, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền các hộ dân thực hiện nghiêm biện pháp chăn nuôi an toàn; thông báo với cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền xã, bản khi thấy đàn lợn có dấu hiệu bất thường để triển khai phương án xử lý, tránh bệnh lây lan diện rộng.
Theo cơ quan chuyên môn của thành phố, nguyên nhân tái phát bệnh DTLCP trên địa bàn xã Sùng Phài do mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường từ các ổ dịch cũ từ năm 2020. Một số con lợn nhiễm mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bài tiết vi-rút ra ngoài môi trường kết hợp với các hoạt động khác của con người (vận chuyển, buôn bán…). Trong khi hiện nay chưa triển khai tiêm đồng loạt vắc-xin thương mại phòng bệnh DTLCP và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết đang chuyển sang nóng ẩm, mưa nhiều, tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm.
Ông Mai Hoàng Nghị – Phó Giám đốc Trung tâm DVNN thành phố cho biết: Ngay sau khi có kết quả, trung tâm đã báo cáo nhanh gửi UBND thành phố và đề nghị Phòng Kinh tế thành phố tham mưu UBND thành phố công bố dịch theo quy định. Đồng thời, tạm ứng 49 lít sát trùng, gần 300kg vôi bột và các vật tư hoá chất kèm theo để xử lý các ổ dịch. Tuyên truyền người dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Hướng dẫn các hộ chấp hành nghiêm quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y, thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh chuồng trại; bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi và không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện. Đến thời điểm hiện tại, bệnh DTLCP cơ bản được kiểm soát.
Ngăn chặn triệt để bệnh DTLCP, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thiết nghĩ, các hộ chăn nuôi cần nâng cao hơn nữa ý thức chăn nuôi an toàn, đặc biệt là không được giấu dịch.
Bạch Dương
Nguồn: Báo Lai Châu