Vụ đông 2021 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh về tích, sản lượng ngô sinh khối. Hình thành được chuỗi liên kết bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ.
Ngày 16/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) và Viện Nghiên cứu ngô đã tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc”.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc ở nước ta phát triển mạnh. Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao được xác định là một trong những sản phẩm chăn nuôi lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.
Tính đến năm 2021, cả nước có khoảng 2,3 triệu con trâu, 5,9 triệu con bò thịt và 332.000 bò sữa. Nắm bắt được nhu cầu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi liên tục tăng, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân làm thức ăn cho gia súc.
Ngô sinh khối đã được phát triển mạnh thời gian qua ở một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Sơn La… Trong năm 2020, diện tích ngô sinh khối đạt trên 100.000 ha, sản lượng đạt gần 450.000 tấn, các chuỗi liên kết không ngừng phát triển.
Theo tính toán, 1 ha ngô lấy thân được canh tác trong khoảng thời gian 80 – 85 ngày cho năng suất 40 – 45 tấn/ha/vụ. Với giá bán 850.000 đến 1 triệu đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 34 – 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 24 – 30 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, với 1 ha trồng ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng 80 – 90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác.
Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên 10% tổng cơ cấu thịt xẻ, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 ha ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết : Vụ đông 2021 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Vấn đề thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất đang đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với các địa phương.
Những năm trước đây, trong cơ cấu cây vụ đông của nhiều địa phương, cây ngô chiếm 1/4 diện tích cơ cấu chung. Tuy nhiên, đã có giai đoạn nhiều địa phượng sử dụng những giống ngô lấy hạt, các bộ giống ngô cũ nên năng suất, giá trị gia tăng không cao.
Trong những năm gần đây, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển theo chuỗi của Bộ NN-PTNT, đặc biệt khi phát triển chuỗi chăn nuôi đại gia súc, nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ở miền Bắc vào mùa đông giá rét, hay đàn bò được chăn nuôi theo hướng công nghiệp ngày càng lớn thì ngô sinh khối là đối tượng cần được phát triển với những ưu thế nhất định.
Bên cạnh đó, dư địa để phát triển ngô sinh khối ở nước ta còn khá lớn. Hàng năm, nhu cầu thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi khoảng 75 triệu tấn. Diện tích để có thể mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối còn khá lớn.
Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngô lấy hạt sang ngô sinh khối ở các vùng chuyên canh ngô, có thể khai thác đất bỏ hoang hóa vụ xuân ở vùng Miền núi phía Bắc (MNPB) khoảng 100.000 ha, đất vụ đông sau 2 vụ lúa ở các tỉnh Trung du MNPB và ĐBSH khoảng 200.000 ha.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển bền vững việc trồng ngô sinh khối, còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, tháo gỡ. Từ những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay đã được triển khai trong vụ đông trước, trong vụ đông 2021, kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” để tăng mạnh về diện tích, sản lượng, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền chặt. Hình thành các vùng sản xuất ngô sinh khối đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Hiện nay, diện tích, sản lượng ngô sinh khối trong vụ đông ở các tỉnh phía Bắc không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, hình thức canh tác nhỏ lẻ vẫn chiếm diện tích khá lớn. Bên cạnh đó, ngô sinh khối được đánh giá là loại cây dễ trồng, thời gian ngắn, dễ phát triển với diện tích lớn.
Mặt khác, ngô sinh khối trồng chủ yếu phục vụ việc làm thức ăn chăn nuôi, nên nếu không có thị trường tiêu thụ không ổn định thì khi phát triển với diện tích lớn hơn, thậm chí tâm lý gieo trồng ồ ạt của người dân thì nguy cơ cung vượt cầu, giảm giá trị cây ngô sinh khối rất dễ xảy ra.
Vì vậy, vấn đề lớn nhất đặt ra với việc trồng ngô sinh khối trong vụ đông 2021 là phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa người sản xuất và các đơn vị tiêu thụ. Đảm bảo phát triển bền vững, tạo giá trị gia tăng cao, biến sản phẩm của trồng trọt trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngành chăn nuôi.
Trung Quân
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam