(Người Chăn Nuôi) – Thỏ là loại động vật gặm nhấm với ưu điểm dễ nuôi, có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, lá tự nhiên. Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng.
Lồng, chuồng thỏ
Lồng, chuồng thỏ có thể được làm bằng những nguyên liệu sẵn có của địa phương như tre, nứa, bương, gỗ, sắt… nhưng cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như thỏ hoạt động dễ dàng thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chuồng chắc chắn, bền vững, dễ dàng vệ sinh, ít tốn công khi cho ăn, chăm sóc, thỏ không chui lẫn đàn ra ngoài. Các loại tre, gỗ phải chắc và bố trí sao cho thỏ không gặm được vì thỏ là loại động vật gặm nhấm.
Quy cách làm lồng, chuồng là mỗi ô dài 90 cm, rộng 60 cm, cao từ 45 – 50 cm, một chuồng có thể làm nhiều ô như vậy, mỗi ô có thể nhốt được một thỏ giống sinh sản, 5 – 6 con sau cai sữa hoặc 2 con hậu bị giống.
Đáy lồng nhẵn, phẳng, êm, không để đầu đinh, mối buộc hoặc vật liệu làm lồng nhô lên làm xây xát da, loét gan bàn chân thỏ. Đáy lồng phải có khe hở, lỗ thoát phân, nước tiểu dễ dàng, ít thấm nước và tháo ra lắp vào được. Những dụng cụ nuôi thỏ là máng thức ăn thô, máng ăn tinh, chậu nước uống phải được thiết kế đúng kỹ thuật. Làm sao để thỏ dễ ăn uống, không thải phân và nước tiểu hoặc nằm được vào máng ăn, không cào bới được thức ăn ra đáy. Máng ăn, máng uống nên làm bằng nguyên liệu sẵn có và được thiết kế chắc chắn, thỏ không làm đổ được.
Để tránh sự ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh, cần xử lý chất thải bằng cách đào hố ủ phân cạnh chuồng thỏ.
Thỏ rất dễ nuôi và thị trường tiêu thụ rộng. Ảnh: Kỳ Nam
Con giống
Khi chọn mua thỏ, nhất là thỏ để làm giống, người nuôi cần lựa chọn cơ sở uy tín, chất lượng, nếu nắm được nguồn gốc của thỏ thì càng tốt. Thỏ chọn làm giống phải khỏe mạnh, lưng phẳng, cơ thăn, bắp đùi, mông đầy đặn và chắc chắn. Chỉ chọn mua những con thỏ có thể lực tốt, linh hoạt, nhạy cảm, mắt sáng, mũi khô, tai và chân sạch sẽ không có vẩy, lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường.
Thức ăn
Thức ăn nuôi thỏ gồm: Thức ăn xanh (rau cỏ, lá cây… là thức ăn chính) và thức ăn viên (ngũ cốc, cám viên là thức ăn bổ sung). Mỗi ngày chỉ cần cho ăn khoảng từ 5 – 8% trọng lượng cơ thể. Lưu ý, thỏ từ 8 tháng tuổi trở lên nên hạn chế cám viên, tránh trường hợp bị béo phì, kể cả đực hay cái sinh sản.
Ở giai đoạn khi thỏ còn nhỏ (tính từ lúc cai sữa 30 – 70 ngày tuổi), thỏ hoàn toàn sử dụng được những loại thức ăn được cung cấp từ thức ăn thô, thức ăn xanh và thức ăn tinh. Người nuôi cần đảm bảo nguồn thức ăn sạch sẽ, hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ Vitamin A, B, C và không ôi thiu. Nên tập trung vào thức ăn thô và xanh, hạn chế thức ăn tinh vì dễ gây rối loạn tiêu hóa. Lượng cám viên mỗi ngày cho 1 con thỏ khoảng 10 – 15 g.
Giai đoạn tiếp theo gọi là thỏ nhỡ (70 – 90 ngày tuổi) nuôi dưỡng để thỏ sinh trưởng và phát triển toàn diện. Giai đoạn này chưa cho thỏ ăn nhiều loại thức ăn dễ tích lũy mỡ (ngô, cám, gạo, cơm…), do đó, cần cung cấp thức ăn giàu protein, vitamin, đủ chất xơ…
Giai đoạn nuôi vỗ béo (90 – 120 ngày tuổi), nên bổ sung thêm thức ăn bột đường như khoai mì, khoai lang, lúa, thức ăn viên để vỗ béo. Trong quá trình nuôi thỏ thịt thì đây là giai đoạn quyết định. Giai đoạn này nuôi dưỡng để thỏ béo nhanh, cho ăn các loại thức ăn giàu tinh bột với tỷ lệ thích hợp như cám ngô, cám gạo, khoai sắn khô (60 – 100 g/con/ngày), các loại thức ăn thô xanh có thể giảm bớt (trung bình 400 g/con/ngày).
Chăm sóc, phòng bệnh
Trong chăn nuôi thỏ gia đình, nên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng (Iodine). Hàng ngày phải quét dọn phân, rác đọng lại ở đáy, góc chuồng thỏ.
Đối với các trại chăn nuôi lớn, cần phun thuốc khử trùng 1 tháng/lần. Ngoài ra, nên rắc vôi khử trùng tiêu độc. Cần tránh không cho người lạ ra vào khu chăn nuôi để phòng lây bệnh từ người sang thỏ.
Hàng ngày dọn vệ sinh lồng chuồng cho thỏ, quan sát cách ăn, uống của thỏ.
Các loại thức ăn phải sạch sẽ, không bị ôi, mốc hay bị biến chất đảm bảo chế độ dinh dưỡng và số lượng thức ăn theo nhu cầu của từng thời kỳ, đặc biệt là nhu cầu vitamin, khoáng, muối.
Cho ăn chế độ ăn hợp lý đặc biệt khi chuyển thức ăn phải chuyển từ từ, thức ăn chứa nhiều nước cần phơi hao bớt nước trước khi cho ăn.
Trong quá trình nuôi, các bệnh thỏ thường mắc là: bại huyết, ghẻ, cầu trùng… Cách sử dụng các loại thuốc để phòng trị các bệnh này như sau:
– Bệnh bại huyết: Tiêm vaccine phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi. Đối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng/lần.
– Bệnh ghẻ: Dùng Ivermectin 0,7 ml/3 kg thể trọng hoặc dùng Dextomax 0,1 ml/3 kg thể trọng.
– Bệnh cầu trùng: Phòng bệnh bằng cách vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Sử dụng thuốc Anticoc, HanE3 bằng ½ liều điều trị. Điều trị bệnh: thuốc Anticoc, HanE3: 0,1 – 0,2 g/kg thể trọng.
Nguyễn An