Kỹ thuật nuôi đà điểu sinh sản năng suất cao

(Người Chăn Nuôi) – Nuôi đà điểu sinh sản đòi hỏi khá nhiều công chăm sóc. Do đó, để giảm tỷ lệ hao hụt giai đoạn đầu và mang lại năng suất cao nhất, người nuôi cần nắm chắc kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm chuồng trại, thức ăn, phòng bệnh.

Chuẩn bị môi trường nuôi

Để nuôi đà điểu đạt hiệu quả cao, cần lưu ý một vài đặc tính của chúng. Cụ thể, đà điểu có hệ thần kinh khá nhạy cảm, dễ kích động khi có tiếng động lớn hoặc người lạ xâm nhập. Khi đó, cả đàn sẽ hoảng loạn và chạy dẫm đạp lên nhau. Chúng sẽ dễ bị đâm vào các chướng ngại vật, gây tổn thương cho da hoặc thậm chí bị gãy cổ và chết. Là loài động vật ăn tạp, đà điểu sẽ ăn hầu hết các thứ chúng nhìn thấy, do vậy, nên dọn dẹp sạch khu vực nuôi nhốt. Các vật dụng như gạch, mảnh thủy tinh, vật sắc nhọn, túi bóng… cần được loại bỏ. Nếu đà điểu ăn phải những thứ này sẽ gây tổn thương lớn đến đường tiêu hóa của chúng.

Nuôi đà điểu sinh sản

Nuôi đà điểu sinh sản cần rất nhiều công sức chăm sóc. Ảnh: Khatoco

Chăm sóc

Nuôi đà điểu sinh sản, có thể nói giai đoạn chuẩn bị đẻ trứng là thời điểm cần chăm sóc tốt nhất, vì sẽ tác động rất lớn đến chất lượng con giống sau này. Thời gian đẻ trứng của đà điểu khoảng từ tháng 12 năm trước kéo dài đến tháng 8 năm sau. Bốn tháng còn lại trong năm là khoảng thời gian đà điểu nghỉ ngơi và thay lông.

Đà điểu thường đẻ trứng trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 19 giờ. Căn cứ vào đó bố trí người nhặt trứng sớm, tránh để đà điểu dẫm vỡ hay nước ngấm vào làm giảm tỷ lệ nở thành công. Đà điểu cái thường đẻ trứng thành từng đợt. Mỗi đợt đẻ liên tiếp khoảng 8 – 10 quả, sau đó nghỉ khoảng 10 ngày rồi đẻ tiếp đợt mới. Một số trường hợp hiếm thấy là đà điểu nghỉ khoảng 1 – 2 tháng mới đẻ tiếp.

Lưu ý về điều kiện chăm sóc đà điểu sinh sản:

  • Đảm bảo chuồng nuôi có ánh sáng mặt trời chiếu vào, mặt bằng cao tránh ngập lụt hay đọng nước. Khu vực xung quanh chuồng nuôi cần yên tĩnh, tránh những tác động mạnh.
  • Sau 3 tháng nuôi gột, đà điểu được chọn sinh sản cần chuyển sang chuồng mới để làm quen. Sau đó, cần làm cho chúng thích nghi với đường chạy mới.
  • Chuồng nuôi phải bằng phẳng, ít hoặc không có chướng ngại vật, đủ kích thước để đà điểu tự do vận động.

Thức ăn

Thức ăn tự nhiên của đà điểu là rau củ, lá cây, các loại cỏ cùng hạt ngũ cốc. Có thể cho chúng ăn thêm cám gà, cám ngỗng. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, chế độ ăn của đà điểu cần phải thay đổi. Trung bình, mỗi con đà điểu sinh sản tiêu thụ khoảng 1,6 – 1,8 kg/ngày. Cho ăn vào đầu buổi sáng, đến cuối buổi chiều kiểm tra lượng thức ăn trong máng, hết là vừa đủ.

Cần theo dõi năng suất đẻ trứng của từng con để điều chỉnh lượng thức ăn. Với những con có năng suất đẻ tốt cần gia tăng lượng thức ăn giúp chúng có sức khỏe và đủ dinh dưỡng để có thể đẻ tiếp.

Kỹ thuật phối giống

Để có được đà điểu con khỏe mạnh, nhanh lớn, cần phải chọn đà điểu đực có dáng đứng ngay thẳng, cổ không cong, màu lông đen tuyền, thân hình cân đối, nhanh nhẹn, hiếu động. 

Đà điểu mái thường phát dục khi đạt 20 – 25 tháng tuổi. Nên ghép đực vào đàn khi con mái đạt 18 – 20 tháng tuổi, để chúng làm quen dần. Cần ghép với con đực già hơn ít nhất 6 tháng tuổi. Lý do là con mái thường phát dục sớm hơn con đực nửa năm. Đà điểu thường phối giống vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, rất hiếm khi xảy ra vào buổi trưa. Một con đực khỏe mạnh có thể thực hiện 11 – 13 lần mỗi ngày.

Phòng bệnh

Đà điểu thường mắc các bệnh viêm túi lòng đỏ, lậu, tắc đường tiêu hóa. Mỗi loại bệnh lại có cách điều trị khác nhau, nhưng cần phải chữa trị ngay nếu không sẽ làm cho đà điểu yếu dần. 

Nếu phát hiện đà điểu nhiễm bệnh cần điều trị sớm. Liên hệ với bác sĩ thú y để được hỗ trợ điều trị, hạn chế tự thực hiện nếu không có kiến thức và kinh nghiệm, bởi điều đó có thể gây thiệt hại cho đàn vật nuôi.

Phạm Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *