Kỹ thuật nuôi chim cút đẻ trứng

(Người Chăn Nuôi) – Nuôi chim cút có thuận lợi là vốn đầu tư ít, không cần nhiều diện tích để xây chuồng trại, thời gian để có sản phẩm bán ra thị trường nhanh, nuôi cút thịt sau 30 ngày, cút đẻ 42 ngày. Sản lượng trứng đạt từ 260 đến 270 trứng/mái/năm.

Chuồng nuôi

Chim cút là loài ưa khô ráo nên cần thiết kế chuồng trại tại khu vực cao ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, không bị gió lùa và có mái che mưa nắng. Các tác động từ ngoại cảnh như âm thanh, ánh sáng… dễ khiến chim cút bị ảnh hưởng. Từ đó, yêu cầu chuồng nuôi phải được thiết kế ở một khu vực riêng biệt, hạn chế tác động từ ngoại cảnh và duy trì khoảng cách hợp lý với khu vực sinh hoạt của con người. Chuồng cần có thiết kế thanh thu trứng chim bên ngoài riêng biệt, đảm bảo trứng khi thu còn nguyên, không nứt vỏ và hạn chế bẩn.

Nuôi nhốt lồng là hình thức nuôi phổ biến nhất hiện nay, quy mô nuôi vừa phải, áp dụng cho mô hình nuôi cút đẻ. Chuồng được gia công toàn bộ bằng khung thép hoặc bằng chất liệu gỗ hay lưới mắt vuông 1 x 1 (cm) để tiết kiệm chi phí đầu tư, trang bị hệ thống quạt thông gió để đảm bảo yêu cầu thoáng khí. Mô hình này gồm nhiều dãy chuồng đơn song song, ngăn cách với nhau bằng lối đi rộng giúp tiết kiệm thời gian cho ăn, chăm sóc cho người nuôi.

Đối với chuồng úm cút non kích thước trung bình là 1,5 x 1 x 0,5 (m) (dài x rộng x cao). Đối với chuồng nuôi chim cút trưởng thành, kích thước này là 1 x 2 x 0,5 (m) (dài x rộng x cao), nuôi 20 – 25 cút sinh sản, sàn chuồng lưới 1 x 1 (cm) để cút dễ di chuyển và người nuôi dễ vệ sinh.

kỹ thuật nuôi chim cút đẻ

Thức ăn cho chim cút cần đảm bảo sạch, không bị ôi thiu, nấm mốc.  Ảnh: ST

Con giống

Hiện, có nhiều địa chỉ cung cấp chim cút giống nên việc chọn con giống khá dễ dàng. Khi lựa chọn giống, người nuôi cần lưu ý, chỉ chọn những cá thể mạnh khỏe, nhanh nhẹn, không dị tật, lanh lợi và chọn giống vào khoảng 25 – 30 ngày tuổi. Cách chọn chim cút trống và chim cút mái sẽ không giống nhau:

Chọn chim trống: Đối với chim cút thì con trống có kích thước nhỏ hơn con mái, cần chọn cá thể có lông mượt, da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, có trọng lượng khoảng 70 – 90 g khi đủ tuổi sinh sản.

Chim mái: Chọn cút mái có cổ nhỏ, lông mượt, xương chậu rộng, hậu môn đỏ hồng, nở nang, trọng lượng > 100 g.

Thức ăn

Để đạt năng suất đẻ trứng cao, người nuôi cần cung cấp cho chim đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng. Ngoài protein, cần chú ý đến canxi và phospho để đảm bảo chất lượng vỏ trứng và bộ xương của cơ thể chim cút. 

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thức ăn khác nhau có thể sử dụng để nuôi chim cút sinh sản. Tùy theo quy mô chăn nuôi, khả năng đầu tư, hình thức chăn nuôi… để lựa chọn các loại thức ăn phù hợp, nhằm giảm chi phí, năng cao hiệu quả kinh tế.

Người nuôi có thể sử dụng các loại thức ăn sau:

– Sử thức ăn công nghiệp cho chim cút sinh sản của các hãng sản xuất thức ăn có bán trên thị trường.

– Sử dụng thức ăn đậm đặc theo chỉ dẫn phối trộn của các hãng sản xuất ghi trên bao bì.

– Để giảm giá thành sản phẩm, người nuôi có thể tự chế và phối trộn thức ăn cho chim.

Cho chim ăn 2 lần/ngày. Mỗi ngày cút trưởng thành ăn khoảng 20 – 25 g thức ăn. 

Cần theo dõi khả năng ăn của chim cút sinh sản để điều chỉnh lượng thức ăn tùy thuộc vào tỷ lệ đẻ, điều kiện thời tiết, chim béo hay gầy.

Cần tách riêng những con quá béo, quá gầy trong đàn để sử dụng khẩu phần ăn cho phù hợp. Những con quá béo cần hạn chế dinh dưỡng và khẩu phần; những con gầy cần tăng cường dinh dưỡng.

Cung cấp đủ nước sạch cho chim uống tự do. Nhu cầu uống của chim là: 50 – 100 ml nước/con/ngày. Nước sạch, phải đảm bảo độ trong, không để lẫn tạp chất hay các chất hữu cơ có hại; nếu sử dụng nguồn nước lấy từ nước giếng khoan, nước máy, nước mưa… phải qua một bước khử lọc để đảm bảo phù hợp với cút. Vệ sinh máng uống hàng ngày và trong máng luôn có nước để cút có thể uống nước tự do.

Người nuôi phải thay đổi chế độ dinh dưỡng cho chim tùy vào điều kiện của mỗi cơ sở sản xuất, giống chim, mùa vụ, tiểu khí hậu chuồng nuôi và năng suất đàn chim. Đặc biệt, khi chuyển thức ăn của chim hậu bị sang thức ăn của chim đẻ cần phải chuyển từ từ, cũng như chuyển từ thức ăn cho chim con sang chim hậu bị. 

Vệ sinh phòng bệnh

Chuồng nuôi vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Máng ăn cần vệ sinh sạch hàng ngày, sát trùng định kỳ hàng tuần. Máng uống cần rửa sạch sau mỗi lần thay nước mới, sát trùng định kỳ hàng tuần.

Chất độn chuồng phải khô ráo, tơi xốp, chỗ ẩm ướt cần loại bỏ ra, rắc vôi bột và bổ sung độn chuồng mới đã được tiêu độc. Thay độn chuồng khi thấy cần thiết. Hàng tuần cần lau chùi ổ đẻ, lồng nuôi.

Trước cửa chuồng phải có hố sát trùng. Phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi 1 lần/tuần. Khi khu vực xung quanh có dịch bệnh phun 3 ngày/lần. Phát quang bụi rậm, vệ sinh và sát trùng tiêu độc khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Đảm bảo thức ăn sạch, không bị ôi thiu nấm mốc nhất là trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ cao để tránh tình trạng ngộ độc thức ăn của chim. Bổ sung vitamin nhóm A để phòng chứng sưng mắt. Bổ sung canxi và phospho để ngăn ngừa tình trạng bại liệt.

Chim cút có một số bệnh giống các loài gia cầm khác như bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa… Do đó, cần tiêm vaccine phòng ngừa bệnh theo định kỳ cho cả đàn. 

Ngoài ra, thực hiện ghi chép đầy đủ về trạng thái sức khỏe, thức ăn, nước uống, khả năng sinh sản, khối lượng của đàn chim, lịch dùng thuốc thú y… Quan trọng nhất là phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để can thiệp kịp thời, đồng thời loại thải những cá thể mái đẻ kém hay không đẻ, những con trống không đạp hoặc đạp mái yếu, để đảm bảo trong đàn có hiệu suất sản xuất cao.

Thu nhặt trứng

Trứng chim cút cần được thu nhặt ngay sau khi chim đẻ. Trứng có thể được thu nhặt 2 lần/ngày.

Chọn lọc và loại thải những quả trứng không đạt yêu cầu: sần sùi, méo mó, dập vỏ…

Bảo quản trứng nơi mát. Tốt nhất là nơi có nhiệt độ 150C, độ ẩm 75%. Không rửa hoặc lau trứng bằng khăn ướt. Trứng ấp không nên bảo quản quá 7 ngày.

➢ Là một trong những hộ đầu tiên nuôi chim cút thương phẩm ở thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; ông Dương Văn Dậu chia sẻ, chuồng trại để nuôi chim cút không tốn diện tích như các loại gia cầm khác. Chim nuôi được khoảng 50 ngày bắt đầu đẻ đều, tỷ lệ đẻ trứng đạt 85% trở lên. Cứ thế nuôi đến khi chim được 6 – 8 tháng tuổi, không còn khả năng sinh sản nữa là xuất bán chim thịt với giá bán bình quân 14.000 đồng/con. Hiện từ nuôi chim cút đẻ trứng, mỗi năm gia đình ông Dậu thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Thanh Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *