Kon Tum: Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững

Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển, mở rộng quy mô đàn, tăng tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của toàn tỉnh. Nhờ đó, tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định.

Tính đến hết tháng 9/2923, tổng đàn gia súc là 271.186 con, trong đó, đàn trâu là 24.078 con, đàn bò là 84.983 con, đàn heo là 161.930 con; tổng đàn gia cầm khoảng 2 triệu con.

Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 142 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại; trong đó có 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm; 104 cơ sở chăn nuôi heo và 1 cơ sở chăn nuôi dê quy mô lớn 1 cơ sở chăn nuôi bò quy mô vừa. Các trang trại chăn nuôi theo hình thức chuồng nuôi khép kín, có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Trong những năm qua, phương thức chăn nuôi quy mô trang trại đang đã có bước phát triển. Ảnh: TH

Điều đáng mừng, có một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong các liên kết này, doanh nghiệp thực hiện đầu tư về con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ còn người dân đầu tư chuồng trại, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Đây là hướng đi phù hợp, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giống vật nuôi là một trong những yếu tố được ngành Nông nghiệp chú trọng. Theo đó, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiến hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện cải tạo đàn bò bằng phương pháp phối giống thụ tinh nhân tạo và phối giống trực tiếp với giống bò đực có tầm vóc lớn, sức đề kháng cao để từng bước cải thiện đàn bò giống, tăng quy mô đàn bò lai. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi lựa chọn giống heo, gia cầm có chất lượng, năng suất cao.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tổ chức các đợt tiêm phòng vắc xin nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra, khuyến cáo các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường chuyển giao cho người chăn nuôi kỹ thuật công nghệ cao, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi tiên tiến trong nông hộ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, những năm qua, tốc độ tăng của đàn gia súc (trâu, bò và heo) vẫn còn chậm; sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến; việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất, chất lượng sản phẩm ngành chăn nuôi của tỉnh đạt thấp, thị trường đầu ra không ổn định. Liên kết theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi còn yếu, mới chỉ xuất hiện ở một vài trang trại lớn, đa phần người chăn nuôi vẫn tự lo về giống, kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm; cùng với đó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm ngày càng phát triển. Ảnh: TH

Vì vậy, để góp phần xây dựng nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa, hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là nhiệm vụ tiếp tục được các cấp, ngành của tỉnh đặt ra trong thời gian tới.

Cụ thể, tại Kế hoạch 3212/KH-UBND (ngày 25/9/2023) của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tỉnh xác định tập trung thực hiện quy hoạch bố trí các vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến thực hiện dự án đầu tư; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi; phát triển chăn nuôi đại gia súc (bò, dê) lấy thịt và sữa tại các huyện Sa Thầy, Kon Plông và một số vùng có điều kiện. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thịt hơi các loại đạt từ 30.000 -32.000 tấn, trong đó, thịt heo chiếm từ 65- 67%, thịt gia cầm chiếm từ 10-12%, còn lại là thịt trâu, bò; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân là 8,5%/năm, giá trị gia tăng bình quân 8,2%/năm. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

Có thế nói, tái cơ cấu ngành chăn nuôi là giải pháp quan trọng để khắc phục những hạn chế về phương thức, khó khăn về thị trường tiêu thụ, rủi ro do dịch bệnh gây ra nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thùy Hương

Nguồn: Báo Kon Tum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *