Kinh nghiệm xây dựng chuồng nuôi nhím

(Người Chăn Nuôi) – Nhím con mới 4 – 5 tháng tuổi nếu nuôi tập thể chỉ cần đảm bảo 2 con/m2. Tuy nhiên, nếu diện tích chuồng nuôi càng rộng rãi thì chúng càng có chỗ để vận động thoải mái, nhờ đó mà tăng trọng nhanh hơn. Do đó, nếu nuôi nhím với số lượng nhiều, nên làm nhiều ngăn chuồng (hay lồng) có kích cỡ rộng hẹp khác nhau để tiện dụng khi cần.

Vị trí

Do bản tính của loài nhím là thích ở nơi cao ráo, không bị ẩm ướt và úng ngập, nên khu vực được chọn làm chuồng nuôi nhím phải là cuộc đất cao ráo để không bị ngập lụt trong mùa mưa bão hay triều cường.

Vị trí đất làm chuồng có thể là dưới những tán cây lớn tỏa bóng rợp cho mát mẻ. Những nơi trống trải, có ánh sáng trực tiếp hay mưa tạt gió lùa không thích hợp với việc nuôi nhím.

 

Hướng chuồng

Cũng giống như cách nuôi các loài gia súc, gia cầm khác, chuồng nuôi nhím cũng nên xoay về hướng Đông hay Đông Nam để ngày nào cũng đón nhận được lượng ánh sáng cần thiết chiếu thẳng vào chuồng, nhờ đó mà chuồng mới được khô ráo, thoáng mát. Trong ánh nắng buổi sáng có chứa tia cực tím giúp cơ thể vật nuôi tự tạo được Vitamin D3 để phát triển khung xương. Đồng thời tia cực tím này còn góp phần tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn giúp môi trường sống của nhím được tốt hơn.

chuồng nhím

Nếu diện tích chuồng nuôi càng rộng rãi thì nhím càng có chỗ để vận động thoải mái, nhờ đó mà tăng trọng nhanh hơn.

 

Kiểu chuồng

Cũng có thể làm tương tự như chuồng nuôi thỏ hoặc nuôi gà, vịt, có điều phải to, phải rộng hơn và phải chắc chắn hơn gấp nhiều lần. Chuồng hay lồng nhím làm theo khối vuông hay khối chữ nhật, có cửa ra vào và có chốt khóa cẩn thận. Nói cách khác, chuồng nuôi nhím không cần có kiểu dáng đẹp, mà chỉ cần rộng rãi, chắc chắn và thoáng mát là được.

 

Nền chuồng

Tập tính của nhím là sống trong hang, chỗ tối tăm và yên tĩnh. Vì vậy, nền chuồng phải đổ bê tông thật dày 8 – 10 cm mới đủ độ chắc, độ cứng và như vậy nhím mới không thể đào hang được. Nền chuồng cần phải có độ dốc, từ trước ra sau khoảng 3% để nước tiểu của nhím và nước rửa chuồng hàng ngày được thoát hết ra ngoài, giúp nền chuồng được khô ráo và bớt hôi thúi ô nhiễm.

 

Vách chuồng

Nhím là loài gặm nhấm nên thích cắn phá. Vách chuồng nếu làm bằng vật liệu thô sơ thì coi như có cũng như không. Vách phải được căng bằng loại lưới kẽm B40 mới đủ sức nhốt. Đặc điểm của lưới kẽm B40 vừa chắc chắn lại thông thoáng nên thích hợp việc ngăn vách chuồng nhím. Chiều cao của vách chuồng nên làm quá chiều cao của đầu người (khoảng l,6 m) thuận tiện cho việc quét dọn. Nóc chuồng nên hàn kín lưới kẽm B40 và dùng tôn lợp kín nửa mái hoặc 2/3 mái để đảm bảo ánh sáng thích hợp.

Nếu chuồng có nhiều ngăn liền kề nhau thì giữa hai ngăn chuồng liền kề nên xây bức tường thấp độ 30 cm (phần trên vẫn căng lưới B40) để nhím 2 chuồng không thể cắn chân nhau. Có thể dùng tôn dày để chận giữ thay cho bức tường gạch thấp này.

 

Kích thước

Một con nhím trưởng thành có thân mình dài trung bình khoảng 70 cm, nặng 10 – 15 kg cần có 1 m2 để nuôi nó. Nếu cần nuôi chung 1 nhím đực và 3 nhím cái cho sinh sản thì cần có một ngăn chuồng/5 m2 mới đủ.

Nhím con mới 4 – 5 tháng tuổi nếu nuôi tập thể chỉ cần đảm bảo 2 con/m2. Tuy nhiên, nếu diện tích chuồng nuôi càng rộng rãi thì chúng càng có chỗ để vận động thoải mái, nhờ đó mà tăng trọng nhanh hơn. Do đó, nếu nuôi nhím với số lượng nhiều, nên làm nhiều ngăn chuồng (hay lồng) có kích cỡ rộng hẹp khác nhau để tiện dụng khi cần.

Nguyễn Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *