Kinh nghiệm phát triển chăn nuôi an toàn sinh học từ Ireland

(Người Chăn Nuôi) – Ngày 26/7 tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi phối hợp cùng Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Cộng hòa Ireland tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland. 

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả” tại Hà Nội.

Phát triển nhưng chưa bền vững

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,7% so với năm 2022. Trong đó, đàn heo đạt trên 30 triệu con (đứng thứ 5 thế giới về tổng đàn và thứ 6 về sản lượng thịt). Đàn gia cầm 558 triệu con, trong đó thủy cầm 102 triệu con, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Tổng đàn trâu, bò khoảng 8 triệu con. Với tổng đàn như vậy, ngành chăn nuôi đã cung cấp 7,8 triệu tấn thịt hơi các loại; 19,2 tỷ quả trứng; 1,2 triệu lít sữa nguyên liệu; sản lượng thức ăn chăn nuôi các loại trên 20 triệu tấn, đứng đầu khu vực Đông Nam Á… Chăn nuôi đóng góp 26% giá trị GDP toàn ngành nông nghiệp.

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng nhận định “chăn nuôi an toàn sinh học ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức”.

Mặc dù đạt được thành tựu đáng kể, tuy nhiên ông Đăng nhận định ngành chăn nuôi vẫn chưa thực sự phát triển bền vững khi phải đối mặt với nhiều thách thức. Có thể kể đến như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, sự phụ thuộc các yếu tố đầu vào (giống, thức ăn), khả năng cạnh tranh thấp trong thực thi cam kết các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết,… Cũng bởi đặc thù chăn nuôi tại Việt Nam chủ yếu xen kẽ giữa cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao khiến cho việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế. 

Hướng đến chăn nuôi xanh

Tại Hội thảo, ông Conor Finn, Phó đại sứ Cộng hòa Ireland bày tỏ, mối quan hệ giữa Ireland và Việt Nam rất da dạng, từ chính trị, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển. Với Ireland, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vào tháng 3 năm ngoái, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Phó đại sứ Conor Finn chia sẻ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Ireland trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam và Ireland đang thực hiện Chương trình hợp tác trong nông nghiệp và thực phẩm (IVAP) với 3 chủ đề trọng tâm, gồm hệ thống sản xuất bền vững, tập trung vào hệ thống chăn nuôi thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; An toàn thực phẩm và hệ thống thực phẩm, với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; Phát triển doanh nghiệp và hợp tác, hỗ trợ đổi mới thực phẩm nông nghiệp, hướng tới chuỗi giá trị thực phẩm cạnh tranh, minh bạch và toàn diện. 

Theo ông David Butler, Tổng giám đốc Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland (SFSI), IVAP đề ra mục tiêu thúc đẩy nhận thức cao hơn về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, thích ứng với khí hậu, ít carbon và có giá trị gia tăng cao. Trong đó, thực hành tốt về an toàn sinh học ở trang trại là yếu tố then chốt để bảo vệ và cải thiện sức khỏe, phúc lợi, cũng như năng suất của vật nuôi, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, thông qua giảm tỷ lệ lây truyền bệnh, giảm sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng, cải thiện môi trường. 

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Ông David Butler, Tổng giám đốc Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland, phát biểu.

Kinh nghiệm quý từ Ireland

Ngành chăn nuôi, sản xuất và chế biến thịt của Ireland chiếm hơn 40% tổng sản lượng nông nghiệp của nước này, riêng đồng cỏ gia súc chiếm 90% đất nông nghiệp với 135.000 trang trại. Trong đó, 75% chuyên chăn nuôi bò; 11% chăn nuôi cừu, 3% chuyên canh tác, 17% hỗn hợp khác. Ireland cũng nổi tiếng về hoạt động nghiên cứu và công nghệ dành cho ngành nông nghiệp. 

Chia sẻ kinh nghiệm của Ireland trong chăn nuôi an toàn sinh học ở trang trại, bà Paula Barry Walsh, chuyên gia thú y của SFSI cho biết, an toàn sinh học bằng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Thực tế, hệ thống an toàn sinh học của mỗi trang trại sẽ khác nhau bởi nó phụ thuộc vào quy mô, vậy nên bà Paula Barry Walsh cho rằng cần điều chỉnh phù hợp với từng nơi dựa trên nguyên tắc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, tiếp xúc trực tiếp thông qua việc lây mầm bệnh từ động vật trang trại này sang trang trại khác. Tiếp xúc gián tiếp được thể hiện qua việc lây từ động vật sang con người, rồi từ con người lây trở lại động vật. Mặc dù, dạng tiếp xúc gián tiếp khó lây lan hơn trực tiếp, tuy nhiên nếu tần suất diễn ra nhiều thì rủi ro cũng rất cao. 

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Chuyên gia thú y Paula Barry Walsh chia sẻ kinh nghiệm phát triển của ngành chăn nuôi của Ireland.

Ở góc độ tiếp cận khác, Tiến sĩ Michelle Riblet của SFSI nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành văn hóa và thái độ của chủ và nhân viên trang trại đối với an toàn sinh học, an toàn thực phẩm. Cụ thể, văn hóa bảo vệ an toàn sinh học được xác định là yếu tố thành công trong một hệ thống an toàn sinh học có hiệu quả. “Nếu chúng ta xây dựng biện pháp mà chỉ mang tính tuân thủ, không có văn hóa, thái độ đối với an toàn sinh học thì không thể triển khai trên thực tế. Do vậy, để xây dựng được điều này, các đối tượng tham gia phải hiểu rõ lợi ích của an toàn sinh học với trang trại”, bà Michelle Riblet khẳng định. 

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Tiến sĩ Kỹ thuật sinh học Michelle Riblet nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa và thái độ đối với chăn nuôi an toàn sinh học.

Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau khi kết thúc Hội thảo. 

Thùy Khánh

Bài và ảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *